Các dự án thuộc “Chương trình Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số” hiện cơ bản đã làm đúng quy trình.

Tuy nhiên, từ lý thuyết đến thực tiễn là một khoảng cách xa, rất cần các cơ quan chủ trì giám sát thực hiện và cam kết đầu ra cho sản phẩm của dự án.

TS Nguyễn Công Thảo - Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam - từng tham gia đánh giá các chương trình phát triển nông thôn và giảm nghèo với nhiều tổ chức trong nước và quốc tế, chia sẻ góc nhìn của mình với mong muốn các chương trình hỗ trợ cho đồng bào nông thôn, miền núi, dân tộc thiểu số ngày càng hiệu quả và đi vào thực chất.

Nhà khoa học trực tiếp hướng dẫn bà con nông dân phun thuốc trừ sâu sinh học.
Ảnh: T. Phạm

Yếu tố số 1 là con người

TS Thảo dẫn lại ví dụ về tính hiệu quả kinh tế thấp hơn dự liệu của cây cao su ở Sơn La và Lào Cai hay cây mắc ca ở các tỉnh Tây Nguyên gần đây như là bằng chứng cho việc cần tiến hành các khảo sát chi tiết, cẩn trọng, hệ thống về thổ nhưỡng, sinh thái, kinh tế, xã hội và văn hóa trước khi triển khai trên diện rộng một loại cây trồng cụ thể ở khu vực miền núi.

Sau khi tiến hành khảo sát, các dự án chuyển giao cần được thực hiện dựa trên năm yếu tố cốt lõi, trong đó thứ nhất và đặc biệt quan trọng là yếu tố con người. Ở khu vực nông thôn, miền núi, vốn xã hội và vốn con người yếu nên yếu tố con người càng cần được quan tâm hơn so với các dự án chuyển giao kỹ thuật ở khu vực khác.

Quan trọng hơn cả là khả năng tiếp nhận quy trình khoa học và công nghệ của người dân ở từng địa phương. Phải thấy được thế mạnh của họ, nội lực của họ, từ đó kết hợp với khoa học và công nghệ - công cụ mang tính chất đòn bẩy. Tiếp đến là đánh giá họ có cái gì, chưa có cái gì thì mới xác định được họ cần gì để chuyển giao, hỗ trợ” – theo TS Thảo.

Song ông Thảo không quên nhấn mạnh, yếu tố con người, dù quan trọng, mới chỉ là một trong năm điểm cần lưu ý cho một dự án chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới. Bốn điểm còn lại là: xác định tính phù hợp của kỹ thuật được chuyển giao với địa bàn; đào tạo “hạt giống” là những người dân địa phương để họ truyền tải tri thức đó đến đồng bào theo cách phù hợp với tâm lý và văn hóa; xây dựng mô hình thí điểm với các “hạt giống” đã được đào tạo, sau đó nhân rộng; và cơ chế giám sát dựa trên kết quả, yếu tố đầu ra thay vì đánh giá theo chu kỳ.


Giám sát dựa trên các yếu tố đầu tư

Trên thực tế, hiện Chương trình Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025 được triển khai dựa trên năm quan điểm: (1) ứng dụng khoa học và công nghệ là một trong những nhiệm vụ, giải pháp rất quan trọng để khai thác có hiệu quả các lợi thế và điều kiện đặc thù của từng vùng, (2) việc ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ phải đi đôi với công tác đào tạo phát triển đội ngũ cán bộ cho cơ sở, nâng cao năng lực áp dụng khoa học và công nghệ của người dân; (3) cần cơ chế hỗ trợ đặc thù, ưu tiên của Nhà nước để tạo thuận lợi cho việc ứng dụng nhanh, hiệu quả các tiến bộ khoa học và công nghệ; (4) ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ phải phù hợp với năng lực tiếp thu của từng vùng, từng địa phương; (5) ưu tiên hỗ trợ các dự án ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ có vai trò hạt nhân của doanh nghiệp, tạo chuỗi giá trị nâng cao hiệu quả sản xuất hàng hóa cũng như tạo sinh kế cho người dân các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số.

TS Thảo nhận định, bước đi của chương trình hiện nay là phù hợp nhưng cần có cơ chế ràng buộc theo dạng hợp đồng cam kết để các doanh nghiệp đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. “Đương nhiên doanh nghiệp cũng cần nhận được hỗ trợ chính sách thuế và các ưu đãi khác để họ có đủ lực để tham gia phát triển chuỗi giá trị cho sản phẩm của dự án” – ông Thảo nói.

Mặt khác, cần xây dựng một cơ chế giám sát dựa trên việc đánh giá kết quả đầu ra của các dự án, giúp cơ quan quản lý nhà nước, các nhà đầu tư phát triển sớm nhìn ra những điểm không phù hợp của dự án chuyển giao để điều chỉnh ngay, tránh rủi ro.

Với quan điểm, KH&CN không thể đứng riêng mà thành công được, ông Thảo cho rằng việc kết hợp bốn nhà (nhà nông - nhà nước - nhà khoa học và nhà doanh nghiệp) là một xu thế tất yếu trong nông nghiệp.

Do đó, cần phải xây dựng chuỗi cung ứng thành chuỗi giá trị, có sự liên kết từ sản xuất đến thị trường, mang lại thu nhập cho người dân tham gia dự án. Đó sẽ là minh chứng thuyết phục nhất để bà con tiếp tục làm theo các mô hình thí điểm và đảm bảo hiệu quả của chuyển giao khoa học kỹ thuật “hậu” dự án.