Quế Thường Xuân xuất hiện cách đây hàng trăm năm với những tên gọi khác nhau. Chúng không chỉ vang danh trong và còn lưu truyền danh tiếng ra nước ngoài.
Lịch sử và các điển tích của quế Ngọc tại Thường Xuân
Quế Ngọc tại Thường Xuân có từ lâu đời và được lịch sử biết đến là sản phẩm quý hiếm của thiên nhiên và đặc thù của vùng tạo nên. Nó gắn liền những địa danh như Trịnh Vạn (thuộc xã Chiềng Ban - Thường Xuân - là nơi có diện tích quế lớn nhất của huyện trước đây), Châu Thường (là tên gọi huyện Thường Xuân từ năm 1837, năm 1945 đổi tên thành Thường Xuân) và quế Thường Xuân (từ sau năm 1945).
Theo sử sách ghi lại thì nước ta có nhiều vùng trồng quế, nhưng quế Thanh là tốt nhất. Năm Minh Mạng thứ 17 (1836), cây quế ở Thường Xuân được “khắc hình tượng vào Nghị đỉnh” tức là ở 1 trong 9 đỉnh đồng lớn đặt trong cung cấm Đại nội Huế.
Ảnh: Quethuongxuan.
Theo số liệu thống kê của phòng Hỗn hợp Thương mại và Canh nông Bắc Trung kỳ thời Pháp thuộc in trên Tập san kinh tế Đông Dương năm 1936 thì 6 tháng đầu năm đó cả xứ Đông Dương xuất khẩu được 6 nghìn tạ tấn quế. Loại quế vỏ nhỏ có 4 hạng, giá từ 12-27 đồng/tạ. Quế rừng Thanh Hóa ít nằm trong mặt hàng xuất khẩu đại trà vì người ta tranh nhau thu mua ở trong xứ rồi. Mỗi khi bán quế Thanh, viên công sứ đầu tỉnh (người Pháp) công bố cho cả xứ biết, khách từ khắp Đông Dương tìm đến tranh nhau mua.
Thời xưa, quế Phương Nam được dùng để tặng nhau được coi là thuốc quý. Quế tốt, quế quý khi tặng nhau được coi là hộ thân bảo mệnh. Vào năm 1821, khi vua Minh Mệnh tặng quà cho đoàn đại diện của vua nhà Thanh sang làm lễ tuyên phong ở Hà Nội, chỉ có sứ thần và 3 thành viên khác được tặng quế tốt (quế bạch ở vùng Trịnh Vạn), mặc dù đoàn tùy tùng gồm 14 người và 94 người đi theo phục vụ đều có quà tặng.
Các tài liệu sử sách ghi lại cho thấy, quế Thường Xuân được lưu truyền dân gian với tên gọi “quế ngọc Châu Thường”, quế Vạn Trịnh, quế bạch hay “giao chỉ ngọc quế”. Điều này đã chứng minh cho giá trị và danh tiếng của sản phẩm từ xưa và đến nay vẫn được lưu truyền.
Ngày nay, sản phẩm quế tại Thường Xuân được thương mại trên thị trường với tên gọi “quế Thường Xuân”. Sản phẩm quế Thường Xuân gồm có quế vỏ, tinh dầu quế là chủ yếu.
Phương Thảo - Hương Trang (Cục Sở hữu trí tuệ)