Cụm từ “công nghệ sinh học” những tưởng chỉ có trong phòng thí nghiệm, nhưng thực tế lại được ứng dụng rất nhiều trong cuộc sống và mang lại giá trị kinh tế cao.
Thực tế nhìn từ các dự án của
Chương trình Nông thôn – Miền núi đã thực hiện mới thấy quả đúng công nghệ sinh học đang góp phần làm “thay da, đổi thịt” cho nhiều gia đình.
Ban Bí thư (Khóa IX) đã có Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 4/3/2005 về “đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” đã xác định rõ tầm quan trọng của công nghệ sinh học.
Thực hiện Chỉ thị này, thời gian qua ngành công nghệ sinh học của Việt Nam đã có những bước tiến nhanh chóng, được ứng dụng rộng rãi vào các ngành sản xuất và đời sống xã hội, nhất là trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp, y dược, thực phẩm và môi trường. Việc triển khai các đề tài, chương trình nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học đã mang
lại kết quả tích cực trong việc phát triển cây, con, giống cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao, năng suất và chất lượng tốt, qua đó đã bước đầu hình thành một số mô hình sản xuất quy mô lớn, mang tính công nghiệp như sản xuất giống lúa, ngô, rau, hàng hóa chất lượng cao; sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu…
Theo đó các dự án thuộc Chương trình Nông thôn – Miền núi cũng đã góp phần cụ thể hóa, đưa chủ trương chính sách áp dụng vào thực tiễn.
Với dự án “Xây dựng mô hình sản xuất, chế biến và tiêu thụ nấm ăn, nấm dược liệu theo hướng công nghiệp tại tỉnh Hà Nam”, sau 3 năm thực hiện doanh nghiệp không chỉ mang lại doanh thu cao mà còn giải quyết được hơn 50 lao động làm việc thường xuyên cho công ty với mức lương 4 – 5 triệu đồng/tháng và huy động được trên 1.000 hộ nông dân tham gia trồng nấm. Các hộ dân tham gia đã thu lãi về từ 30 – 40 triệu đồng/hộ/năm.
Theo đó, UBND tỉnh Hà Nam đã thấy rõ hiệu quả và lợi ích từ việc trồng nấm nên đã quyết định đầu tư 16 tỷ đồng từ ngân sách địa phương cho việc phát triển trồng nấm (Quyết định số 724/QĐ-UBND ngày 29/5/2012) và các hộ dân tham gia góp vốn khoảng 22 tỷ đồng. Đây là một trong những dự án điển hình về việc thu hút nguồn vốn đối ứng lớn và đã giải quyết cho gần 1.500 lao động nông nhàn ở địa phương.
Hay như Dự án “Ứng dụng công nghệ sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ than bùn cho các loại cây trồng chính của tỉnh Lạng Sơn” do Công ty cổ phần Thành Đô chủ trì thực hiện. Sau khi ứng dụng thành công công nghệ mới từ dự án, doanh thu của Công ty đã tăng từ 10% đến 15% do tiết kiệm được nguyên vật liệu và sản phẩm phân bón thực sự có hiệu quả được người dân tin dùng. Trước khi có dự án doanh số của Công ty đạt khoảng 2,5 tỷ đồng/năm; tính đến tháng 5/2015 doanh số đạt gần 3 tỷ đồng); tạo việc làm cho khoảng 100 người lao động với thu nhập bình quân đạt 3 - 4,5 triệu đồng/tháng. Người nông dân sau khi ứng dụng sản phẩm của dự án vào cây trồng đã tăng năng suất lên từ 10-15% so với trước đây, giúp thu nhập bình quân nâng cao hơn từ 8 - 15% đồng thời làm giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Đến nay, diện tích canh tác của người dân có sử dụng sản phẩm từ dự án đã lên tới 750 ha.
Với Dự án “Xây dựng mô hình nhân nhanh giống mía mới bằng công nghệ nuôi cấy mô tại Bình Định” đã triển khai mô hình nhân giống mía bằng phương pháp nuôi cấy mô với 2 giống K95 -156 và Sunphanburi 7. Mô hình trồng mía thương phẩm đạt năng suất 110 – 120 tấn/ha so với đại trà đạt 60 – 70 tấn/ha; lợi nhuận thu được từ sản xuất mía giống trung bình là 76,66 triệu đồng/ha, từ sản xuất mía nguyên liệu là 36,52 triệu đồng/ha (so sánh với giống mía cũ thì lợi nhuận cao hơn khoảng 22 - 27 triệu đồng/ha đối với mía giống và khoảng 11 - 17 triệu đồng/ha đối với mía nguyên liệu).
Thành công của dự án không chỉ giúp người dân tiếp cận với giống mía mới có triển vọng để áp dụng vào sản xuất, nâng cao năng xuất và tăng thu nhập cho người nông dân mà còn góp phần ổn định vùng nguyên liệu cho Nhà máy Đường của tỉnh.
Theo Văn phòng Chương trình Nông thôn – Miền núi, thời gian qua chương trình đã hỗ trợ thực hiện 122 dự án và đào tạo được 1.114 kỹ thuật viên cơ sở và tập huấn kỹ thuật cho 34.334 lượt nông dân, tổ chức chuyển giao và tiếp nhận 1.039 quy trình công nghệ.
Theo TS Nguyễn Văn Liễu – Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương, ứng dụng các tiến bộ KH&CN chính là công cụ để phát triển kinh tế - xã hội. Việc phát triển công nghệ sinh học không chỉ còn là chủ trương, định hướng mà đã trở thành giải pháp hữu hiệu để phát triển nhanh, bền vững trong các ngành, lĩnh vực, tổ chức sản xuất có liên quan đến sinh học, cũng như tại tất cả các địa phương trong toàn quốc.