Áp dụng đúng kỹ thuật thu hoạch và bảo quản sẽ giúp giữ được chất lượng vốn có của vú sữa lò rèn Vĩnh Kim.
Mùa thu hoạch vú sữa thường tập trung từ tháng 1 - 3 dương lịch hàng năm.
Vỏ vú sữa mỏng nên dễ bị dập, trầy sướt; khi chín cuống trái dễ bị sút ra nên khi thu hoạch phải thật nhẹ nhàng và khéo léo, không để trái trực tiếp xuống đất vì nấm bệnh từ đất sẽ xâm nhập vào trái qua cuống hoặc vết thương.
Cần bao trái để tránh trầy sướt khi vận chuyển. Trong thời gian tồn trữ, vận chuyển không để trái tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời vì sẽ làm tổn thương vỏ trái, không che nắng trái bằng tấm nilon vì nilon hấp thu nhiệt sẽ làm nám vỏ trái.
Ảnh: HTX vú sữa lò rèn Vĩnh Kim.
Bảo quản bằng bao giấy hoặc vật liệu xốp: Sau khi thu hoạch vú sữa được phân loại và được bao tùng trái bằng giấy tại vườn hay vựa thu mua. Tùy thuộc thị trường trái vú sữa được đóng vào những sọt tre hoặc thùng xốp để vận chuyển.
Hiện nay, phương pháp xử lý trước khi bảo quản bằng công nghệ hiện đại đã được áp dụng. Theo đó, xử lý phun nước Ozone 0,2% ngay sau khi thu hoạch, hàng ngày phun nước ozone. Nước Ozone bao quanh quả sẽ làm chậm quá trình chín, ngăn chận không cho nấm mọc, diệt được một số loại vi khuẩn, trong đó có vi khuẩn tạo men; bảo quản điều kiện lạnh trong kho mát 20 - 22 độ C hoặc xử lý nước nóng 55 độ C trong 5 phút để trừ ruồi đục trái và bệnh thán thư.
Phương Thảo - Hương Trang (Cục Sở hữu trí tuệ)