Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm siêu thâm canh ba giai đoạn bằng công nghệ tuần hoàn ít thay nước, do đó giảm thiểu lây truyền bệnh từ quá trình cấp nước, hạn chế được việc sử dụng hóa chất, đồng thời cho thu hoạch tôm sạch và chất lượng.

Hiện nay, vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đã và đang chịu tác động mạnh mẽ từ biến đổi khí hậu, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nước và sinh lý tôm nuôi một cách mạnh mẽ và dễ gây bệnh. Bên cạnh đó tình trạng xả thải thường xuyên đã làm ô nhiễm môi trường nước ở nhiều khu vực nuôi tôm siêu thâm canh trong tỉnh. Chi phí đầu tư đầu vào ngày càng tăng cao đã ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế sản xuất của nghề nuôi tôm.

Nhằm góp phần phát triển nghề nuôi tôm siêu thâm canh trên địa bàn tỉnh Cà Mau được hiệu quả và bền vững, Công ty TNHH Khoa học Nuôi trồng thủy sản và Môi trường SAEN phối hợp với một số đơn vị triển khai thực hiện dự án “Xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm siêu thâm canh 3 giai đoạn, bằng công nghệ tuần hoàn ít thay nước và an toàn sinh học tại tỉnh Cà Mau”.

Hệ
Mô hình nuôi tômbằng công nghệ tuần hoàn. Ảnh: NNC

Mô hình nuôi được thử nghiệm tại huyện Cái Nước, gồm một hệ thống nuôi tuần hoàn (RAS) phục vụ ương độc lập 100m2, một ao nuôi giai đoạn II với diện tích 1.000m2, ha ao nuôi giai đoạn III có diện tích 1.000m2/ao, một ao bioflocs (chứa các chất hữu cơ lơ lửng trên mặt nước như các loại tảo, thức ăn thừa, xác vi sinh vật, vi khuẩn, … có khả năng chuyển hóa chất hữu cơ trong nước, thành sinh khối của vi khuẩn, giúp xử lý nước và tạo ra nguồn đạm ) 100m2, một ao lọc sinh học 100m2, một ao nuôi cá rô phi 1.000m2 có sục khí, một ao rong mền (thuộc loại rong thân mềm) 1.000m2, hai ao rong câu 1.000 m2/ao và một ao xử lý.

Ba giai đoạn nuôi gồm ương giống giai đoạn 1 khoảng từ 20 – 25 ngày, sau đó chuyển sang nuôi giai đoạn 2 và giai đoạn 3 thông qua hệ thống RAS. Theo hệ thống này, nước từ ao nuôi tôm có những chất rắn lơ lửng, thức ăn thừa chảy qua ao lắng/xử lý, được cá rô phi và vi sinh xử lý. Sau đó qua các ao rong mền, rong câu, bioflocs, chất hữu cơ, cặn bã được rong, tảo, vi sinh xử lý lại một lần nữa, tạo thành nước sạch cấp về cho ao nuôi tôm. Đây là hệ thống khép kín và tái sử dụng nước hơn 90%, giúp giảm thiểu lây truyền bệnh từ quá trình cấp nước.

Mô hình này cho tỷ lệ tôm sống trên 85%; tốc độ tăng trưởng dao động 0,2 – 0,4 g/ngày; năng suấttrung bình đạt 60 tấn/ha/vụ (90 ngày), kích cỡ 30 – 50 con/kg.

Ngoài ra, mô hình nuôi không thấy xuất hiện các bệnh do virus, vi khuẩn. Chất lượng tôm nuôi đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Chất lượng nước thải đạt tiêu chuẩn xả thải theo quy định. Hệ thống tuần hoàn không xả thải ra bên ngoài trong suốt quá trình nuôi.

t
Tôm đạt chất lượng xuất khẩu. Ảnh: NNC

Theo nhóm nghiên cứu, do qui trình hoạt động không xử lý nước thường xuyên, chỉ lấy nước một lần ban đầu nên hóa chất sử dụng rất hạn chế, chủ yếu dùng để vệ sinh khử trùng dụng cụ, ao ương và nuôi sau một vụ sản xuất.

Ngoài nuôi tôm, mô hình còn nuôi ghép cá rô phi và rong cùng một hệ thống để thể hiện chức năng duy trì chất lượng nước và xử lý chất thải. Theo tính toán của nhóm tác giả, thu nhập từ tôm thương phẩm là 94,5% và thu nhập phụ dưới dạng cá và rong là 5,5%. Hiện mô hình đã được nhiều hộ dân đến tham quan, học hỏi và nhân rộng ở các huyện Cái Nước, Trần Văn Thời,…

Dự án đã được Sở KH&CN Cà Mau nghiệm thu mới đây, đạt loại xuất sắc.