Mô hình sản xuất nông nghiệp tổng hợp được thực hiện tại huyện U Minh cho thấy, nếu áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và cách tổ chức sản xuất theo hướng đa canh, có thể khai thác tốt tiềm năng của những vùng đất nhiễm phèn nặng.
Trong những năm qua, tỉnh Cà Mau rất chú trọng việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KH&CN, nhằm khắc phục các điều kiện sản xuất khó khăn, bất lợi như đất nhiễm phèn, mặn...
Trong đó, khu đất sản xuất của Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Cà Mau tại ấp 1, xã Khánh An, huyện U Minh cũng là vùng đất bị nhiễm phèn, chưa được bố trí triển khai các mô hình sản xuất. Mặc dù khu đất này đã được đào kênh, lên liếp, nhưng do độ cao bờ liếp còn thấp, kênh mương nhiều năm chưa được nạo vét, việc khai thác kém hiệu quả.
Trước thực tế đó, Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Cà Mau đã thực hiện dự án “Cải tạo vườn tạp trồng dừa kết hợp nuôi cá nước ngọt và nuôi gà thả vườn tại ấp 1, xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau”.
Mô hình sản xuất nông nghiệp tổng hợp, đa canh được xây dựng dựa trên nền tảng kỹ thuật sản xuất mô hình vườn - ao - chuồng (VAC), áp dụng theo điều kiện thực tế trên vùng đất bị nhiễm phèn lâu năm chưa được cải tạo khai thác. Mô hình chọn lựa và tổ chức sản xuất thử nghiệm năm đối tượng gồm trồng dừa xiêm xanh, nuôi cá tra, trê lai, rô đầu nhím và nuôi gà thả vườn.
Dự án đã thực hiện các biện pháp cải tạo đất đai, kênh mương, nguồn nước, xây dựng chuồng trại đảm bảo các yếu tố thích nghi để bố trí mô hình sản xuất. Cụ thể như dọn sạch thực bì, kể cả keo lai và tràm; nạo vét sạch lớp bùn bồi lắng ở đáy mương; đắp đập ngăn chia kênh mương thành các khu vực riêng biệt để bố trí nuôi ba loại cá nước ngọt riêng biệt. Lớp bùn nạo vét kênh mương được dùng để be bờ và kê lên bờ liếp để nâng độ cao của liếp phục vụ cho trồng dừa xiêm xanh. Bên cạnh đó, bố trí khu vực làm chuồng nuôi nhốt gà (kiểu nhà tiền chế và cây, lá địa phương), trong vườn chăn thả có trồng cây chuối xiêm và cây keo lai che bóng mát.
Kết quả thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp tổng hợp cho thấy, vườn dừa xiêm xanh có diện tích trồng 7,8 ha (2.000 cây giống), tỷ lệ sống đạt 85,1% sau 30 tháng trồng. Vườn dừa đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản, tỷ lệ cây dừa ra hoa đạt khoảng 13,3%, cây dừa chưa cho thu hoạch sản phẩm. Dự kiến năng suất bình quân của cây dừa xiêm xanh ước đạt khoảng 130 trái/cây/năm và năng suất tăng dần đến năm thứ 5 thì ổn định.
Nuôi cá tra thương phẩm, với diện tích nuôi 4.000 m2, mật độ nuôi 1,5 con/m2, cho năng suất đạt 20,66 tấn/ha/vụ, kích cỡ cá thu hoạch trung bình 1,72 kg/con sau 28 tháng nuôi, tỷ lệ sống đạt 80,08%. Đối với cá trê lai, có diện tích nuôi 700 m2 (nuôi 2 vụ), mật độ nuôi 10 con/m2 năng suất đạt 42,55 tấn/ha/vụ, kích cỡ cá thu hoạch trung bình 0,74 kg/con sau 8 tháng nuôi, tỷ lệ sống đạt 57,5%. Ở cá rô đầu nhím, diện tích nuôi 700 m2 (nuôi 2 vụ), mật độ nuôi 15 con/m2 năng suất đạt 14,14 tấn/ha/vụ, kích cỡ cá thu hoạch trung bình 162g /con sau 8 tháng nuôi, tỷ lệ sống đạt 58,21%.
Trong mô hình nuôi gà thả vườn, số lượng con giống 2.000 con (chia thành hai đợt nuôi, mỗi đợt 1.000 con). Gà nuôi là giống gà tàu vàng và gà nòi lai (mỗi loại 1.000 con), mật độ chăn thả 1 con/2 m2, cho sản lượng gà xuất chuồng 2.921 kg, trọng lượng gà xuất chuồng trung bình 1,54 kg/con sau 6 tháng nuôi, tỷ lệ sống 95,05%.
Nhóm thực hiện dự án ước tính thu nhập từ các đối tượng nuôi trồng đạt khoảng 2,022 tỷ đồng, dao động từ 99,02 triệu đồng đến 1,106 tỷ đồng/đối tượng. Trong đó, đối tượng dừa xiêm xanh ước đạt tổng thu nhập cao nhất, đối tượng cá rô đầu nhím thương phẩm đạt tổng thu nhập thấp nhất. Sau khi trừ chi phí sản xuất, dự án ước đạt lãi khoảng 1,183 tỷ đồng.
Theo nhóm thực hiện, hiện nay, khu vực đất nhiễm phèn ở xã Khánh An, huyện U Minh còn gặp nhiều khó khăn trong bố trí sản xuất do cơ sở hạ tầng (thủy lợi, điện, nước sạch, giao thông nông thôn) còn khá hạn chế. Bên cạnh đó, đất phèn vẫn còn nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng chưa được khai thác để bố trí sản xuất một cách có hiệu quả cao nhất.
Do đó, trong thời gian tới, các ngành chức năng cần quan tâm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất. Đồng thời, khuyến khích nhân rộng các mô hình áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để cải tạo đất phèn, bố trí các mô hình sản xuất theo hướng đa canh để tăng thu nhập cho người dân.
Dự án đã được Sở KH&CN Cà Mau nghiệm thu, kết quả đạt.