Dáng hơi thuôn hình trụ và lớp lông trên vỏ chính là nét độc đáo có một không hai của bưởi trụ lông Đại Bình - giống bưởi đặc sản đã được bảo hộ nhãn hiệu tập thể của tỉnh Quảng Nam.

Hiện loại bưởi quý này vẫn chưa phát triển được thành hàng hóa do cung không đủ cầu, hậu quả của tình trạng thoái hóa giống.

Bán chạy nhưng khan hàng

Tựa lưng vào núi, hướng mặt sông Thu Bồn, làng Đại Bình (Quế Trung, Nông Sơn, Quảng Nam) e ấp dưới bóng cây xanh với những chùm quả sum sê, từ lâu được biết đến là làng Nam Bộ thu nhỏ trong lòng xứ Quảng. Đại Bình được bồi đắp phù sa màu mỡ nên trồng được rất nhiều giống cây ăn quả, tạo thành một vùng xanh trù phú, trong đó bưởi trụ lông được coi là cây trồng chủ lực ở đây.

Thạc sỹ Phan Hùng Vĩnh - Phó Giám đốc Trung tâm Giống nông - lâm nghiệp Quảng Nam - giải thích về tên gọi bưởi trụ lông: “Chữ “trụ” nói về hình dáng của quả bưởi, “lông” là vì khi quả chưa chín có một lớp lông mịn rất đẹp, có thể nhìn thấy và khi sờ vào thì cảm nhận rất rõ. Lớp lông rất dày ở những quả bưởi còn non. Chính điều này đã tạo nên sự khác biệt của bưởi trụ lông Đại Bình so với các giống bưởi khác”.

Cây bưởi trụ sai trái tại vườn nhà bà Bùi Thị Tình (thôn Phú Gia 1, xã Quế Phước, Nông Sơn, Quảng Nam). Ảnh: Vinh Thông

Bưởi trụ lông là giống bưởi bản địa có đặc điểm trái nhỏ (trọng lượng trung bình từ 1-1,2kg/trái) nhưng múi dày, tép lớn và có vị ngọt thanh, hơi the the rất đặc trưng. Mùa thu hoạch là tháng 7 hằng năm.

“Đây là giống bưởi có chất lượng cao nên khả năng tiêu thụ rất lớn. Mặc dù bưởi trụ lông Đại Bình đã được bảo hộ nhãn hiệu tập thể với quyền quản lý thuộc về Hội Nông dân xã Quế Trung song hiện nguồn cung không đủ đáp ứng cầu, chỉ có thể bán tại địa phương và làm quà biếu” - ông Trần Văn Lưu - Trạm trưởng Trạm khuyến nông, khuyến ngư huyện Nông Sơn - cho biết.

Ông Nguyễn Quốc Khánh - một chủ vườn ở làng Đại Bình - cho biết, do sức tiêu thụ ngày càng lớn của cây bưởi trụ lông và sự hỗ trợ quảng bá, dán nhãn hàng hóa của Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Nam, giá trị của đặc sản này đã tăng lên nhiều lần. “Song có một thực tế là trong khi thương hiệu được biết tới nhiều, sản phẩm vẫn chỉ đủ tự cung tự cấp trong vùng, không đủ để bán ra thị trường khác do sản lượng không cao” - ông Khánh nói.

Lý giải điều này, ông Vĩnh cho rằng: “Lâu nay bà con chủ yếu chiết cành, năng suất nhân giống thấp và cây nhanh già cỗi gốc, năng suất và phẩm chất trái chưa được như mong đợi, nguồn giống lại lẫn tạp. Điều kiện chăm sóc lại không đồng đều, có sự ảnh hưởng lớn của thời tiết như mưa trái vụ; có khi hoa nhiều nhưng gặp khô hạn nên rụng gần như toàn bộ”.


Bảo tồn, phát triển nguồn gene quý

Bưởi trụ lông Đại Bình hiện được trồng chủ yếu ở làng Đại Bình với diện tích 28ha và bước đầu được nhân rộng ra 7 xã của huyện Nông Sơn với diện tích 20ha. Mặc dù giống bưởi này có thể trồng được ở các địa phương khác nhưng theo Trạm trưởng Trạm khuyến nông - khuyến ngư huyện Nông Sơn, để quả bưởi đạt chất lượng, nguồn dinh dưỡng trong đất phải tốt (nếu đất cằn, cây sẽ có tuổi thọ kém) và chủ động nguồn nước. “Nếu đảm bảo được các yêu cầu đó, cây bưởi trụ Đại Bình sẽ phát triển tốt. Trên thực tế, trái bưởi thu hoạch từ cây giống trồng nhân rộng có chất lượng không khác bưởi trụ ở làng Đại Bình” - ông Lưu nói.

Trước thực trạng đó, Trung tâm Giống nông - lâm nghiệp Quảng Nam đã triển khai đề tài “Bảo tồn và phát triển nguồn gene bưởi trụ lông Đại Bình” do thạc sỹ Phan Hùng Vĩnh làm chủ nhiệm, thực hiện từ năm 2014 đến 2019. Bước đầu, nhóm thực hiện đề tài đã điều tra, đánh giá lại thực trạng, tuyển chọn những cây có năng suất cao, khả năng kháng bệnh tốt để đưa vào nhân giống.

Họ cũng điều tra, đánh giá đặc điểm sinh học của bưởi trụ, sự phát sinh và phát triển các đợt lộc trong năm, đặc điểm hoa và quả, thời gian thu hoạch và năng suất, đồng thời nghiên cứu, thu thập các yếu tố tự nhiên ảnh hưởng đến sự phân bố cũng như năng suất, chất lượng loại cây trồng này.

“Việc nhân giống từ kỹ thuật nuôi cấy mô vi ghép đỉnh sinh trưởng sẽ tạo ra nguồn cây giống sạch bệnh, mang đặc tính di truyền tốt từ cây bố mẹ và có hệ số nhân giống hàng loạt” - thạc sỹ Phan Hùng Vĩnh nói.

Dự kiến vào năm 2018 giống bưởi trụ sạch bệnh - sản phẩm từ dự án này - sẽ ra đời, vừa phục vụ cho việc xây dựng vườn ươm để cung cấp cây giống cho người dân, vừa phục vụ mô hình trồng trình diễn chuyên canh trên cơ sở thực hiện các giải pháp quản lý dịch hại tổng hợp, quy trình thâm canh và vệ sinh an toàn thực phẩm.