Giá cao gấp 3-4 lần tiêu thường
Tiêu Tiên Phước là giống cây bản địa đặc trưng của huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam với tổng diện tích trồng khoảng 60ha, tập trung tại các xã Tiên Mỹ, Tiên Phong, Tiên Kỳ và Tiên Thọ. Đây là giống tiêu sẻ, lá nhỏ, hạt nhỏ vừa, phơi khô có màu đen với nhiều nếp nhăn, vị cay nồng, mùi thơm đặc trưng. Theo số liệu từ Trung tâm Phân tích và Giám định tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa Đà Nẵng, hạt tiêu Tiên Phước có nhiều thông số đạt và vượt trội so với các giống tiêu khác ở Việt Nam.
“Vì vậy, giá tiêu khô Tiên Phước luôn cao gấp 3-4 lần so với tiêu nơi khác. Đặc biệt, sau khi quản lý và phát triển lại nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm này, giá tiêu luôn ổn định từ 500.000-600.000 đồng/kg, thậm chí vào năm 2016, 2017, giá tiêu tăng lên 700.000 đồng/kg” - ông Hồ Viết Ký - Giám đốc Công ty TNHH Tân Tiến (thôn 3, xã Tiên Sơn) - cho biết.
Bà Hà Thị Ánh Tuyết - Phó trưởng phòng Quản lý chuyên ngành, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Quảng Nam, chủ nhiệm đề tài “Quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể một số sản phẩm đặc trưng của tỉnh Quảng Nam” - cho biết: Tiêu Tiên Phước được bảo hộ nhãn hiệu tập thể từ năm 2009 với quyền quản lý thuộc về Hợp tác xã (HTX) dịch vụ sản xuất chế biến nông lâm Cẩm Hà.
Người dân chăm sóc vườn tiêu. Ảnh: N. Linh
Tuy nhiên, giá trị nhãn hiệu chưa được khai thác hiệu quả. “Qua khảo sát, 100% số hộ sản xuất tiêu ở Tiên Phước đều sản xuất nhỏ lẻ, phần lớn chưa có nhận thức đầy đủ về nhãn hiệu. Rất ít hộ sử dụng nhãn mác, bao bì, tem gắn lên sản phẩm. Kênh giao dịch cũng chỉ qua truyền miệng chứ không có hợp đồng hay được đa dạng hóa bằng nhiều hình thức như bán hàng qua mạng, qua truyền hình” - bà Tuyết nói.
Từ năm 2014, quyền quản lý nhãn hiệu tập thể được chuyển nhượng cho HTX Nhật Linh. Người dân được tư vấn, truyền thông để nâng cao nhận thức về khai thác nhãn hiệu, sản xuất ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn. “Họ hiểu rằng sản phẩm đã gắn nhãn hiệu, logo... bán ra thị trường thì phải đạt chuẩn. Những sản phẩm không đạt chất lượng, người tiêu dùng sẽ tự tẩy chay. Hiểu được điều đó, người dân tự nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm của họ” - bà Tuyết nói và cho biết hiện đã có 8 thành viên HTX được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể “Tiêu Tiên Phước”.
Sẽ mở rộng diện tích
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiên Phước cho biết, chỉ có 80 hộ gia đình ở đây trồng 100 trụ tiêu trở lên và khoảng 500 hộ có vườn tiêu dưới 100 trụ. Người trồng tiêu cho biết, họ khó mở rộng diện tích do địa hình bán sơn địa khiến họ thiếu nguồn nước tưới chủ động. Một nguyên nhân nữa là hiện chưa có nơi cung cấp giống cây tiêu đạt chuẩn. Người dân phải tự nhân giống theo phương pháp truyền thống.
Ông Hồ Viết Ký cho biết, do việc sản xuất tiêu ở Tiên Phước mang tính tự phát, chưa áp dụng kỹ thuật vào việc trồng và chăm sóc nên cây tiêu phát triển kém, năng suất không cao. Về sản lượng, do bị thu hẹp diện tích trong thời gian dài nên số cây tiêu Tiên Phước còn lại rất ít, không đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường. Thương hiệu tuy đã có song sản phẩm chỉ phổ biến trên địa bàn tỉnh, không được nhiều nơi biết tới.
“Tiêu Tiêu Phước chủ yếu được tiêu thụ trong tỉnh Quảng Nam dưới hình thức quà cho khách du lịch là chính, chưa có sản phẩm xuất khẩu” - ông Ký nói và kiến nghị “Vì giá tiêu quá đắt nên tính phổ cập không cao, không nhiều người biết đến. Ủy ban Nhân dân huyện Tiên Phước nên có cơ chế để nhân rộng diện tích trồng cũng như hỗ trợ người dân nguồn cung cấp giống gốc để giá tiêu Tiên Phước tương đương với giá tiêu các loại trên thị trường. Khi đó, sản phẩm sẽ dễ bán và dễ xuất khẩu hơn. Có như thế, nhãn hiệu “Tiêu Tiên Phước” mới được quảng bá mạnh hơn”.
Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiên Phước, huyện phấn đấu đến năm 2018 sẽ hỗ trợ người dân trồng mới 30ha tiêu, tương ứng với 30.000-35.000 trụ tiêu; xây dựng một vườn ươm giống tiêu Tiên Phước đạt chuẩn và thành lập mô hình sản xuất, chế biến tiêu theo mô hình hợp tác xã.