“Việc Đồng Nai 14 năm liền nhận cờ thi đua của Chính phủ cho thấy hoạt động KH&CN có nhiều khác biệt so với các địa phương khác” - ông Sáng nói.
Theo ông, sự khác biệt trước hết thể hiện ở cách Đồng Nai huy động nguồn lực từ bên ngoài để thực hiện các đề tài nghiên cứu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội hay các nghiên cứu khác liên quan đến địa phương thay vì chỉ trông đợi vào ngân sách tỉnh.
Ông Phạm Văn Sáng (phải) giới thiệu mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học. Ảnh P. Sang
Chẳng hạn, khi Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam nghiên cứu một đề tài liên quan đến Đồng Nai, địa phương tham gia đóng góp 50% kinh phí. Đối với các đề tài KH&CN tuyến huyện, cấp cơ sở bỏ ra 50% kinh phí, Sở KH&CN Đồng Nai đóng góp 50%.
“Các đề tài khác cũng thực hiện theo cơ chế này, giúp Đồng Nai huy động được nhiều nguồn lực cho nghiên cứu, phục vụ lợi ích của địa phương. Chỉ tính riêng năm 2016, Đồng Nai đã huy động được hơn 2 tỷ đồng” - ông Sáng chia sẻ.
Cách sử dụng Quỹ Phát triển KH&CN của Đồng Nai cũng có điểm khác biệt. Cơ cấu, cách tổ chức vận hành của quỹ cũng tương tự các địa phương khác, song Đồng Nai định hướng tập trung lĩnh vực ưu tiên để quỹ cho vay. Bởi theo ông Sáng, với vốn điều lệ chỉ từ 20-100 tỷ đồng, việc tập trung vào đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp là không khả thi.
Hiện quỹ ưu tiên các dự án nhân rộng mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Các tổ chức, cá nhân vay phát triển loại dự án này sẽ được hỗ trợ bù lãi suất. Với cách làm đó, hiện Đồng Nai có khá nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao hoạt động hiệu quả. Trong số đó phải kể đến mô hình cà chua sạch trong nhà màng với hệ thống tưới và thiết bị điều khiển tự động quy mô 6.000m2.
Ông Sáng cũng cho biết, tỉnh có chủ trương đẩy mạnh thu hút các dự án công nghệ cao. Về ban quản lý dự án đầu tư xây dựng một dự án, Nghị định 59/2015 quy định: “Chủ đầu tư quyết định thành lập ban quản lý dự án đầu tư xây dựng một dự án để quản lý thực hiện dự án quy mô nhóm A có công trình xây dựng cấp đặc biệt, dự án áp dụng công nghệ cao được Bộ trưởng Bộ KH&CN xác nhận bằng văn bản”. Sở KH&CN đã có văn bản gửi tới Bộ KH&CN và được biết bộ chỉ chứng nhận ứng dụng công nghệ cao, còn việc xác nhận áp dụng công nghệ cao thì chưa thực hiện.
“Chúng tôi kiến nghị Bộ KH&CN có hướng dẫn cụ thể hoặc có cách thức hỗ trợ các địa phương để thuận tiện hơn trong việc thu hút các dự án công nghệ cao” - ông Nguyễn Chỉ Sáng kiến nghị.