Bộ công cụ này do nhóm tác giả Trường Đại học Sư Phạm TPHCM xây dựng nhằm đánh giá, chẩn đoán và can thiệp kịp thời đối với những trẻ gặp khó khăn về phát âm khi nói.

Những năm gần đây, tại Việt Nam, ngày càng có nhiều trẻ em bị chậm nói. Trong đó, trẻ 2 – 4 tuổi chiếm tới 71,5%. Đặc biệt, có những trẻ gặp nhiều khó khăn khi phát âm, trong khi bộ máy phát âm, thính giác, thị giác của trẻ không bị khiếm khuyết, mức độ phát triển nhận thức, xã hội - cảm xúc của trẻ bình thường và trẻ sống trong hoàn cảnh không có gì bất thường. Những trẻ này, nếu không được phát hiện, can thiệp kịp thời sẽ có những khó khăn trong học tập và công việc sau này.

Một đánh giá đúng về khả năng phát âm của trẻ sẽ là tiền đề tốt cho việc chỉnh âm. Tuy nhiên, dùng công cụ nào để đánh giá đúng khả năng phát âm của trẻ nói tiếng Việt là vấn đề hầu như còn bỏ ngỏ ở Việt Nam. Những công cụ để đánh giá về hành vi, cảm xúc, trí tuệ,… được sử dụng để chẩn đoán can thiệp trị liệu hiện khá phong phú. Nhưng hiện nay ở Việt Nam chưa có một bộ công cụ chuẩn nào để đánh giá lời nói của trẻ từ 2 – 7 tuổi nói tiếng Việt. Các phương tiện được sử dụng để lượng giá phát âm hầu hết là tài liệu biên dịch.

Dạy trẻ phát âm. Ảnh: Internet
Dạy trẻ phát âm. Ảnh: Internet

Trước thực tế đó, nhóm tác giả Trường Đại học Sư Phạm TPHCM đã thực hiện đề tài nghiên cứu “Thiết kế bộ công cụ đánh giá chẩn đoán và ứng dụng đánh giá sự phát triển âm lời nói của trẻ em (2 - 7 tuổi) ở TPHCM”, nhằm tìm kiếm phương tiện đánh giá, chẩn đoán âm lời nói của trẻ em. Đồng thời, ứng dụng đánh giá sự phát triển âm lời nói của trẻ em nói tiếng Việt, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục ngôn ngữ cho trẻ em.

Âm lời nói là mặt hình thức của lời nói cá nhân, tức lời nói được xem xét trên bình diện âm thanh (ngữ âm, âm ngữ), bao gồm phát âm âm tiết (trong đó bao chứa các thành phần tạo nên âm tiết như nguyên âm, phụ âm, bán nguyên âm, thanh điệu – với những ngôn ngữ có thanh điệu), phát âm từ, cụm từ, phát ngôn, ngôn bản. Nội hàm khái niệm âm lời nói còn bao hàm tốc độ, nhịp điệu, tiết tấu, ngữ điệu và trọng âm. Bất cứ một lỗi nào trong chỉnh thể âm lời nói trên đều có thể ảnh hưởng đến chất lượng giao tiếp. Rối loạn âm lời nói là người phát ra lời nói không như bình thường, tức là không đúng với cấu trúc âm tiết, khiến người nghe không hiểu hoặc hiểu sai ý người muốn nói. Trẻ mắc bệnh này thường khó khăn trong giao tiếp, học tập, nhất là đọc và viết.

Bảng một số từ đánh giá khả năng phát âm của trẻ. Ảnh: NNC
Bảng một số từ đánh giá khả năng phát âm của trẻ. Ảnh: NNC

Nhóm tác giả lấy mẫu nghiên cứu hơn 2.000 trẻ em, độ tuổi từ 2 – 7, ở các quận huyện của TPHCM, để quan sát, ghi chép, đánh giá âm lời nói, chữa lỗi phát âm cho trẻ, trò chuyện với trẻ,… Qua đó, nhóm xây dựng bộ công cụ với các hợp phần của phương tiện đánh giá âm lời nói (xây dựng bảng từ, hình ảnh và một số câu hỏi gợi ý; phiếu hướng dẫn trắc nghiệm viên, phiếu đánh giá âm lời nói của trẻ được đánh giá,…). Bộ công cụ được thử nghiệm tại một số trường mẫu giáo, tiểu học và một số trung tâm hỗ trợ trẻ có khó khăn về ngôn ngữ ở các quận nội, ngoại thành của TPHCM.

Đề tài đã được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu trong năm qua, có thể sử dụng để đánh giá, chẩn đoán và can thiệp kịp thời đối với những trẻ gặp khó khăn về phát âm khi nói. Ngoài ra, danh sách từ cùng phiếu đánh giá âm lời nói mà nghiên cứu này cung cấp có thể dùng làm phương tiện đánh giá âm lời nói của trẻ em tiền tiểu học, học sinh lớp 1, học sinh dân tộc thiểu số học tiếng Việt.