Nó độc đáo ở chỗ là tạo mọi điều kiện cho các tầng lớp thị dân đang sinh sống trong cũng như ngoài nước, có thể “trồng” một cây thậm chí cả vườn cây ăn trái ngay trong phòng khách của họ, dù nơi họ ở có thể là một chung cư cao tầng.
Cây xoài nhà tôi trong vườn người ta
Vỉa hè chật chội đã khiến không ít người dân đô thị phải giải cơn khát làm chủ một mảng xanh của mình bằng game nông trại khu vườn trên mây. Tuy nhiên, khu vườn ảo này đã ngay lập tức được các nhà vườn tỉnh Đồng Tháp hiện thực hoá bằng khu vườn thật, và cây trồng ở đó chính là những loại cây ăn trái đặc sản xứ này. Hợp tác xã (HTX) xoài Mỹ Xương (xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) đang là địa chỉ hỗ trợ tích cực người đam mê cây trái, có thể sở hữu một cây, nhiều cây hoặc cả vườn xoài theo mong muốn của mình, bằng việc tham gia chương trình đồng hành cùng mô hình “Cây xoài nhà tôi”.
Ông Võ Việt Hưng, giám đốc HTX xoài Mỹ Xương, cho biết: “Đến nay chương trình Cây xoài nhà tôi ước tính có trên 100 gốc xoài đã làm thoả mãn đam mê được làm chủ vườn của khách hàng khắp cả nước”. Với sức nóng của chương trình, ông Hưng dự báo: “Con số này nhiều khả năng sẽ vượt mốc chẵn 300 vào cuối năm nay”. Mới sáng sớm, tại hội sở HTX nằm cạnh chợ xã, khi ông Hưng còn điểm tâm vội bằng ổ bánh mì kẹp thịt, điện thoại đã réo liên tục. Vậy là đã có hai người khách đề nghị được HTX hướng dẫn đi xem vườn xoài.
Ông Võ Việt Hưng, giám đốc HTX xoài Mỹ Xương. Ảnh: Ngọc Tùng
“Chương trình Cây xoài nhà tôi nói cho dễ hiểu, là HTX sẽ bán cho khách hàng nguyên cả cây xoài đang trồng trong vườn của thành viên HTX”. Theo ông Hưng, sau khi hợp đồng mua bán được ký kết, một hoặc nhiều cây xoài được chọn và liệt kê trong hợp đồng sẽ trở thành tài sản của khách hàng. Sau khi khách hàng thanh toán giá trị hợp đồng cho HTX, người chủ vườn thực thụ trở thành người làm vườn thuê cho ông chủ mới (khách hàng). Cây xoài nhà tôi chính là lời giới thiệu của người chủ mới với bạn bè của họ. Kể từ đó, người chủ mới có thể tổ chức mời bạn bè, người thân đến tham quan, vui chơi dã ngoại tại khu vườn nơi có cây xoài mình đang sở hữu…
Cây xoài trồng ở miệt Cao Lãnh mỗi năm hai mùa cho trái. Mùa nghịch từ tháng 9 năm này đến tháng 2 năm sau (mùa xoài tết) và mùa thuận từ tháng 2 đến tháng 6. Như vậy, theo ông Hưng, người sở hữu “cây xoài nhà tôi” mỗi năm có hai lần nhận được thành quả từ việc đầu tư nhất cử lưỡng tiện này.
Tỉnh giấc giữa đêm đi thăm vườn xoài
Những cây xoài trong chương trình được quản lý bằng mã số kèm theo lý lịch riêng gồm: giống xoài, tuổi cây, chiều cao, đường kính tán, sức khoẻ cây… và cuối cùng là sản lượng bình quân của cây. Những thông số này kèm theo hình ảnh sẽ được công bố, cập nhật trên website: xoaicaolanh.com.vn. Khách hàng sở hữu “cây xoài nhà tôi” có thể theo dõi, giám sát ngay tại nhà mình. Tham gia mô hình này, khách hàng có thể ngồi tại phòng khách để giới thiệu với bạn bè về những “cây xoài nhà tôi”. Khi công việc quá bận rộn, cũng có thể đi thăm vườn khi đã ngả lưng trên giường ngủ chỉ cần một máy tính bảng. Tiện ích này thậm chí có thể khai thác ở bất cứ đâu, giờ nào có thể sử dụng được điện thoại thông minh.
Một cây xoài trong chương trình Cây xoài nhà tôi. Ảnh: Ngọc Tùng
Nắm được thông tin này, chị Út Nguyễn, đang định cư tại California, Mỹ, cũng hào hứng qua điện thoại: “Năm nào tôi cũng về quê (Mỹ Tho, Tiền Giang) ít nhất một lần, vậy có cách nào giúp tôi có được vài “cây xoài nhà tôi” ấy đi”. Theo chị Út, “cây xoài nhà tôi” ngoài việc có thể đem khoe với các bạn người Mỹ, Philippines, Mexico… cùng sở làm về “tài sản” của mình ở Việt Nam, nó còn là sợi dây kết nối quê hương mỗi khi có tâm trạng nhớ quê nhà.
Bán trái xoài, gởi gắm cả niềm tin
Cập rập đến độ mô hình đã vận hành được hơn một năm mà slogan cho chương trình vẫn cứ đắn đo mãi! Ông Hưng cho rằng, chúng tôi không chỉ bán trái xoài, mà còn muốn gởi gắm cả niềm tin trong đó. Thì ra, đây mới chính là mấu chốt để chương trình có thể vận hành hết công suất. “HTX sẽ có lãi khi cả vườn gồm những cây xoài nhà tôi đạt mức 1.000 cây, thì quyết tâm đạt tới của 98 thành viên HTX không phải là một tham vọng”, ông Hưng nhận định.
Thông số về sản lượng bình quân là yếu tố quyết định giá bán của cây xoài, vì người mua chỉ mua sản lượng của cây xoài trong năm đó. Ông Hưng nêu ví dụ: “Sản lượng bình quân của cây là 100kg (hai vụ) nếu là xoài cát chu sẽ có giá bán là 3 triệu đồng/cây. Năm thuận mùa có thể đạt sản lượng 120kg, người mua được hưởng trọn. ngược lại nếu năm thất mùa, bên bán (nhà vườn) có nhiệm vụ cung cấp đủ 70% sản lượng cây xoài đã ghi trong hợp đồng mua bán. “Lúc này phần thiệt của khách hàng sẽ là sự chia sẻ rủi ro với nhà vườn”, ông Hưng nói.
Sơ chế, bao gói sản phẩm xoài. Ảnh: Ngọc Tùng
Tham gia chương trình, người mua sẽ được thu hoạch một khối lượng sản phẩm sạch, an toàn (canh tác theo chuẩn VietGAP), kèm theo các nhu cầu giải trí khác. Nhà vườn được nhận ngay một khoản tiền giá trị bán cây xoài để tạo nguồn đầu tư cho vườn. Ông Nguyễn Hồng Sự, chủ tịch UBND huyện Cao Lãnh, nói rằng, tiềm năng khai thác của chương trình vẫn vô biên, khi toàn huyện có tới 3.600ha đất trồng xoài. Mô hình này tập cho nông dân ứng dụng rộng hơn về khoa học công nghệ, để khai thác cùng lúc nhiều mục tiêu kinh tế – xã hội.
Câu chuyện “Cây xoài nhà tôi” còn một điều thú vị với góc độ văn hoá, văn hoá sản xuất và văn hoá tiêu dùng. Người nông dân không chỉ bán cây xoài, mà còn bán sự cam kết của mình với khách hàng bằng một quy trình sản xuất an toàn, bằng hình ảnh của một người sản xuất tử tế, có văn hoá. Người tiêu dùng không chỉ mua những trái xoài ngon, sạch, mà còn trân trọng đón nhận ở đó tấm lòng và công sức của người nông dân. Vậy là hai loại văn hoá gặp nhau, vượt lên mối quan hệ mua bán thông thường để trở thành mối quan hệ thấu hiểu và chia sẻ.
Ông bà mình có câu ca dao bình dị mà đầy tính nhân văn: “Tin nhau buôn bán cùng nhau/ Thiệt hơn, hơn thiệt, trước sau như lời…!”. Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp, ông Lê Minh Hoan đã cảm tác như vậy.