Nhanh và minh bạch
“Trước kia, ở sảnh chờ của khu vực đăng ký khám lúc nào cũng có một hàng dài người chờ đến lượt. Hai năm trở lại đây, kể từ khi ứng dụng công nghệ thông tin, cảnh đó đã hoàn toàn chấm dứt” – bác sĩ chuyên khoa 2 Vũ Hùng Vương, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang – vui mừng kể. “Quy trình đăng ký khám được đẩy nhanh hơn rất nhiều. Khi chưa trở thành bệnh viện điện tử, thông thường một người đi khám sức khỏe tổng quát ở chỗ chúng tôi mất từ 2-3 ngày, nay rút xuống chỉ còn vài tiếng. Ngay tại bàn đăng ký, sơ bộ về bệnh trạng, tình trạng sức khỏe của người bệnh đã được lập hồ sơ và đưa vào hệ thống. Người bệnh cần khám lâm sàng ở phòng nào, cần đi chụp, chiếu ở đâu, đều được lần lượt thông tin trên hệ thống, từ các máy tính kết nối mạng trong toàn bệnh viện”.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các khâu từ đăng ký đến khám, chữa bệnh, phát thuốc... Ảnh: Phạm Phượng
Các phòng, khoa cũng thăm, khám đúng theo số đưa lên hệ thống, tránh
được việc chen lấn hay tự ý ưu tiên người thân quen. Cũng theo bác sĩ
Vương, “vì vừa tiết kiệm được thời gian, vừa minh bạch trong khâu khám
chữa bệnh, nên tín hiệu phản hồi từ phía người nhà và bệnh nhân là rất
khả quan” .
Bên cạnh đó, còn có phần mềm bệnh án điện tử hỗ trợ đắc lực cho các bác sĩ và cán bộ y tế trong công tác quản lý bệnh án của người bệnh. Từ tên họ và số chứng minh thư nhân dân, bác sĩ có thể xác định được tiền sử bệnh của người bệnh, nếu trước đó người này đã đến thăm khám và lưu lại hồ sơ trên hệ thống, và dựa vào đó, bác sĩ có thể đưa ra phán đoán và phương hướng chữa trị phù hợp với thể trạng cũng như điều kiện sinh hoạt của người bệnh.
Các kết quả xét nghiệm, chẩn đoán, kê đơn thuốc, diễn tiến điều trị... được lưu trong máy tính, thay vì được ghi trong bệnh án giấy, giúp kiểm soát và kịp thời phát hiện các bất hợp lý (nếu có) như: chỉ định quá mức cần thiết, tương tác có hại của thuốc, kê trùng lặp hoạt chất... cũng như tạo thuận lợi trong việc tra cứu các dữ liệu phục vụ điều trị.
Chỉ cần hệ thống máy tính nối mạng
ThS Lê Quý Sơn, Viện Công nghệ thông tin, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Chủ nhiệm đề tài “Xây dựng phần mềm quản lý bệnh án điện tử ứng dụng cho tỉnh Hà Giang”, cho biết, đề tài nằm trong chương trình hợp tác giữa Viện Hàn lâm và tỉnh Hà Giang năm 2014. Tuy nhiên, “phần mềm này hoàn toàn có thể triển khai ở các bệnh viện, cơ sở y tế khác trên toàn quốc, chỉ cần hệ thống máy tính có nối mạng và đội ngũ cán bộ được đào tạo, chuẩn hóa kiến thức tin học”, theo ông Sơn.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang gần đây đã được đầu tư lớn về cơ sở vật chất, trong đó có hạng mục trang bị hệ thống máy tính đồng bộ tại tất cả các phòng ban. “Đây là điều kiện bước đầu hết sức thuận lợi cho việc ứng dụng công nghệ thông tin trong bệnh viện” - ông Sơn nhận định.
Bệnh viện điện tử không chỉ nhằm tối ưu hóa quá trình khám chữa bệnh, mà còn phải góp phần phát triển mạng lưới liên thông giữa các bệnh viện, trao đổi hồ sơ khám bệnh, cập nhật về bệnh trạng mới và cả chính sách khám chữa bệnh... Tại Việt Nam hiện đã có một số sản phẩm phần mềm quản lý bệnh án điện tử như NanoSoft, MinSoft, Vietnam EMR,… do các công ty tư nhân phát triển bán cho các bệnh viện. Trong khi đó, Bộ Y tế đang triển khai Phần mềm hệ thống HL7 Core làm nền tảng để sau này có thể trao đổi bệnh án điện tử theo chuẩn HL7.
“Phần mềm bệnh án điện tử của chúng tôi có thể kết nối với HL7 Core của Bộ Y tế nhờ được xây dựng sẵn giao thức trao đổi dữ liệu theo chuẩn này” – ông Sơn cho biết thêm về phần mềm thuộc đề tài do ông làm chủ nhiệm. Tính năng này chuẩn bị cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang sẵn sàng học hỏi kinh nghiệm từ những bệnh viện tuyến trên, một khi có sự kết nối trọn vẹn giữa Bộ Y tế, Sở Y tế, và các bệnh viện.