Nhắc đến bánh gai là người ta nhớ ngay tới bánh gai Nam Định, mà cụ thể là bánh gai Bà Thi. Điều gì đã tạo ra danh tiếng cho thương hiệu bánh gai này?
Cái tên Bánh gai Bà Thi xuất hiện từ cuối năm 1978. Bà Thi là người Nam Định nhưng sống ở Sài Gòn. Sau giải phóng bà trở về quê mang theo công thức làm bánh gai từ trong Nam ra.
Bánh gai Bà Thi là món quà dân dã nhưng khá tốn công làm. Lá gai phải được mua khi vào vụ, từ tháng 3-4 và thường được chọn là lá gai trồng ở Trực Ninh, Xuân Trường bởi lá gai ở đây ít chat, có độ ngậy và thơm. Lá gai được chọn là lá không sâu hỏng. Sau khi được rửa sạch, đem phơi khô, tước gân, lá được nghiền thành bột.
Nếp chọn làm bột phải là nếp hương. Đãi sạch, nghiền nhỏ mịn, sờ mát tay là được. Sau đó bột này được trộn với lá gai giã nhỏ và đường vàng để làm vỏ bánh.
Nhân bánh được chuẩn bị như sau: chọn loại đỗ xanh hạt đều, không sâu mọt, đem ngâm vào nước ấm, đãi sạch vỏ rồi đem đồ chín. Hạt sen trong nhân cũng phải chọn loại hạt nguyên, không bị sâu, đem nấu chín. Ngoài ra, cho thêm cùi dừa nạo nhỏ xào với đường kính trứng.
Trộn tất cả với vừng rang vàng, đãi vỏ cùng một tí mỡ viên để làm nhân bánh. Khi nặn nhân, nhớ cho thêm qua ít dầu.
Nguyên liệu chuẩn bị cầu kỳ, đến cả lá gói cũng cầu kỳ theo. Lá gói bánh phải là lá chuối ngự khô, mua ở xã Nhân Hậu, Nhân Tiến, Vĩnh Trụ, Lý Nhân, Hà Nam bởi lá chuối ngự mềm, dài, có chất lụa gói mới đẹp. Dùng lá chuối tây gói thường bị gãy và có chất chat ngấm vào bánh làm hỏng chất lượng bánh. Dùng sợi đay để gói bánh lại.
Sau khi gói, cho bánh vào nồi hấp từ 2,5 tới 3 tiếng. Thành phẩm khi lấy từ nồi hấp ra là bánh có màu đen tuyền, thơm mùi lá gai và hương lúa nếp.
Ăn bánh gai cũng cần nghệ thuật, từ khâu bóc bánh cho róc lá, tới ăn làm sao cho không rơi nhân. Khi cắn miếng bánh, sẽ thấy được vị dẻo, ngọt của bột, cùng vị béo, bùi, thơm của nhân đậu.