Dự án Chăn nuôi, sản xuất và kinh doanh sản phẩm từ da cá sấu của tác giả Hoàng Thị Mỹ Nhung (huyện Vĩnh Cửu), cung cấp cho thị trường hàng trăm mẫu sản phẩm sản xuất từ da cá sấu.

Để có thể cung cấp những sản phẩm da thuộc chất lượng từ da cá sấu, tác giả đã tự nghiên cứu, tìm hiểu, triển khai quy trình thuộc da cá sấu, đến thử nghiệm làm các sản phẩm.

Theo tác giả, da cá sấu rất dày, đòi hỏi kỹ thuật cao ở từng khâu. Quy trình thuộc da phải chính xác từng chi tiết và đảm bảo các thao tác được thực hiện một cách cẩn thận, chuẩn xác, mới có thể tạo nên được thành phẩm có bề mặt tự nhiên, độ bền đẹp nhất định. Ngoài ra, kỹ thuật may cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ, công phu hơn các sản phẩm khác. Nhưng trước hết phải có nguồn da cá sấu tốt, lấy từ con cá sấu khỏe và được nuôi đủ thời gian.

Đến nay, trang trại của tác giả đã làm ra hàng trăm sản phẩm giới thiệu trên thị trường như: túi du lịch, va li, túi xách nữ, bóp, ví, giày, dép, dây thắt lưng… từ da cá sấu. Sau giai đoạn đầu khởi nghiệp với các sản phẩm da thuộc từ da cá sấu, hiện nay tác giả tiếp tục đổi mới với mô hình du lịch trải nghiệm.

Với lợi thế vùng cách mạng Chiến khu D, mô hình du lịch vườn, rừng, hồ Trị An đang được địa phương đẩy mạnh phát triển, ngày càng thu hút đông du khách trong và ngoài nước. Trang trại cá sấu của tác giả đầu tư phát triển khu du lịch cắm trại ven hồ, tham quan khu nuôi cá sấu và chọn mua sản phẩm ngay tại nơi sản xuất.

BTC
BTC trao giải cho các dự án xuất sắc của Cuộc thi. Ảnh: SKH

Ngoài giải Nhất 40 triệu đồng, Ban tổ chức còn trao hai giải Nhì (25 triệu đồng/ giải) cho dự án Phát triển chuỗi phòng nuôi đông trùng hạ thảo – nông nghiệp công nghệ cao tác giả Trần Thị Thắm và dự án "Ứng dụng công nghệ trong chế biến nâng cao giá trị các sản phẩm từ mật ong thiên nhiên" của tác giả Vũ Thị Thanh Thúy.

Giải Ba (15 triệu đồng/giải) được trao cho các dự án: Mô hình du lịch sinh thái nông nghiệp đặc trưng của TP Long Khánh, dựa trên các sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm OCOP đặc trưng, ứng dụng tại xã Hàng Gòn của tác giả Nguyễn Thị Đào; Mật ong tinh luyện Quân Phát của nhóm tác giả Lê Lộc Quân và Lê Trần Xuân Thảo; Thiết bị bắt muỗi Mosla của tác giả Nguyễn Văn Khỏe.

Cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai” do Sở KH&CN tỉnh Đồng Nai tổ chức, nhằm tìm kiếm, chọn lọc, tôn vinh và hỗ trợ triển khai các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, mô hình kinh doanh mới dự kiến triển khai và phát triển trên địa bàn tỉnh. Cuộc thi được tổ chức từ năm 2019, đã thu hút đông đảo các đơn vị, cá nhân tham gia, nhờ đó đã hình thành, phát triển hàng chục doanh nghiệp khởi nghiệp.

Cuộc thi năm nay nhận được 39 dự án, ý tưởng khởi nghiệp. Qua vòng sơ khảo, thử thách, chung kết, Ban tổ chức đã chọn được sáu dự án, ý tưởng khởi nghiệp xuất sắc để trao giải tại lễ bế mạc sự kiện “Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Techfest Đồng Nai 2024” vào sáng 30/8, sau chuỗi các hoạt động diễn ra từ ngày 27- 30/8.