Các dự án vừa đoạt giải tại cuộc thi này được đánh giá là áp dụng công nghệ tiên tiến và bắt kịp xu hướng phát triển của thế giới.
Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP Đà Nẵng nằm trong chuỗi các hoạt động tiêu biểu của Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP Đà Nẵng - SURF 2024 vừa diễn ra vào cuối tháng Tám.
Theo Sở KH&CN Đà Nẵng, Cuộc thi không chỉ là nơi tuyển chọn, phát triển các tài năng mà còn tạo bước đệm bứt phá cho các dự án khởi nghiệp trên địa bàn thành phố.
Năm nay, cuộc thi thu hút 30 dự án. Sau vòng sơ loại, Ban giám khảo chọn ra 10 dự án có hàm lượng công nghệ, khả năng thương mại hóa cao và mô hình kinh doanh mới mẻ vào Vòng chung kết, diễn ra vào sáng ngày 29/8 tại Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng.
Tại đây, mỗi dự án có 5 phút để trình bày về sản phẩm, kế hoạch kinh doanh của mình và trả lời những câu hỏi của Ban giám khảo. Kết quả chung cuộc như sau:
- Giải nhất (50 triệu đồng): Dự án “UC Talent” do Nguyễn Ngọc Dương và một nhóm các nhà công nghệ phần mềm và phát triển sản phẩm xây dựng. Đây là một nền tảng tuyển dụng sáng tạo, tận dụng sức mạnh của trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ blockchain để tạo ra một hệ thống giới thiệu thông minh. Mỗi giới thiệu thành công sẽ được ghi nhận và thưởng bằng token trên chuỗi blockchain, tất cả đều được tự động hóa thông qua hợp đồng thông minh và tạo động lực cho cộng đồng cùng tham gia.
- Giải nhì (30 triệu đồng): Dự án “BINKS - Mực thực vật” của nhóm sinh viên Đại học Đà Nẵng, sản xuất mực viết và màu vẽ từ hợp chất anthocyanin thu được từ rau, củ, quả tự nhiên. Thử nghiệm cho thấy mực viết và màu vẽ BINKS không chứa hóa phẩm độc hại tạo màu, giá thành thấp hơn và có độ khô màu nhanh gấp khoảng 6 lần so với màu nước vẽ trên thị trường (khoảng 3-4 phút so với 25-30 phút).
- Giải Ba (20 triệu đồng): Dự án “Phòng mô phỏng vật liệu Vr360” của Công ty cổ phần giải pháp chuyển đổi số VR360, cho phép các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản, showroom, bán lẻ, kiến trúc, nội thất v.v trưng bày sản phẩm một cách trực quan và sinh động trong không gian ảo và giúp khách hàng dễ dàng hình dung và đưa ra quyết định mua hàng.
- Giải Khuyến khích (10 triệu đồng): Dự án “TripIn - Ứng dụng du lịch và truyền bá văn hóa lịch sử sử dụng AI & AR” do Tống Thị Thúy Anh (CEO của Công ty TNHH MTV Công nghệ Du lịch Số) và Lê Đức Quang (CEO của Công ty Cổ phần Archisketch) phát triển.
Dự án sử dụng AI được đào tạo bằng dữ liệu chuẩn hóa để hỗ trợ thuyết minh trong các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh bằng 32 ngôn ngữ, cho phép du khách trao đổi với AI như với hướng dẫn viên du lịch thực tế. Bên cạnh đó, công nghệ thực tế tăng cường (AR) đưa các yếu tố ảo (hình ảnh, video, âm thanh, lời nhắc...) hiển thị trực tiếp lên các di tích, hiện vật để khách hàng dễ tương tác.
- Giải triển vọng (do nhà tài trợ trao tặng): Dự án “ElevaBot - Robot vệ sinh cầu thang tại nơi công cộng” của nhóm học sinh Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn tạo ra một robot có khả năng tự động di chuyển lên xuống và vệ sinh cầu thang, nhằm hỗ trợ và thay thế công việc dọn dẹp vệ sinh của nhân viên lao công tại các cầu thang một cách hiệu quả.
Bà Lê Thị Thục, Phó Giám đốc Sở KH&CN Đà Nẵng, Trưởng ban Giám khảo cuộc thi, nhận xét: “Các đội thi vào vòng chung kết thuộc các lĩnh vực theo xu hướng như AI, blockchain, công nghệ thực tế ảo, tự động hoá… Đó là dấu hiệu đáng mừng cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố khi dự án của chúng ta đã bắt kịp được xu hướng phát triển của thế giới.”
Năm nay, lần đầu tiên Đà Nẵng vào danh sách 1.000 thành phố đứng đầu thế giới về khởi nghiệp,
với vị trí thứ 896. Đà Nẵng hiện là hệ sinh thái khởi nghiệp lớn thứ ba tại Việt Nam - sau TPHCM và Hà Nội.
Hồng Hạnh