Cục Sở hữu trí tuệ ra Quyết định số 2929 /QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00047 cho sản phẩm sá sùng nổi tiếng được phân bổ tự nhiên của huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.

Sá sùng Vân Đồn từ lâu đã được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến. Nhắc đến các món ăn ngon của biển ở Quảng Ninh người ta nghĩ ngay đến các món ăn chế biến từ sá sùng Vân Đồn. Khi chưa có mì chính, sá sùng Vân Đồn là gia vị đặc biệt để làm ngọt, làm thơm hơn các món ăn dạng nước như bún, phở, canh hoặc cháo của người Việt và người Hoa khắp cả nước và ở nước ngoài.

Loài sá sùng phân bố tự nhiên ở Quảng Ninh có tên khoa học là Sipunculus nudus, đây là đặc thù về sinh học của sá sùng Vân Đồn. Sá sùng Vân Đồn bao gồm 2 sản phẩm là sá sùng tươi sơ chế và sá sùng khô, đây là 2 sản phẩm chế biến thuỷ sản truyền thống có từ lâu đời ở Vân Đồn.

Sá sùng Vân Đồn tươi. Ảnh: Muckho.
Sá sùng Vân Đồn tươi. Ảnh: Muckho.

Đặc thù của sản phẩm sá sùng tươi sơ chế: hình ống dài; 6 - 13cm; có màu sắc trắng ngà đến hồng nhạt, sản phẩm có màu trắng khi nấu chín; khi ăn sản phẩm có vị ngọt dịu của đạm khi nấu chín. Đối với sản phẩm sá sùng khô: Có màu sắc trắng ngà đến vàng nâu nhạt, sản phẩm có màu nâu cánh gián khi rang chín; sản phẩm giòn khi rang chín, có vị ngọt dịu của đạm.

Theo Cục Sở hữu trí tuệ, sá sùng Vân Đồn được khai thác tự nhiên ở các bãi triều ven các đảo như Minh Châu và Quan Lạn. Mùa vụ khai thác chính sản phẩm sá sùng Vân Đồn từ tháng 2 - 10, tập trung từ tháng 4 - 7 hàng năm.

Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, khu vực được bảo hộ chỉ dẫn địa lý bao gồm xã Minh Châu, xã Quan Lạn thuộc huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.