Sự tích hợp về địa hình - thời tiết - nguồn nước đã hình thành nên một khu vực rất thích hợp để cây chôm chôm phát triển, tạo ra những nét đặc trưng về chất lượng của quả chôm chôm.

Khu vực Long Khánh là vùng nổi tiếng với các loại trái cây đặc sản, trong đó có chôm chôm. Cây chôm chôm đã được trồng tại Long Khánh và các vùng lân cận từ nhiều thập kỷ qua. Nó nổi tiếng với hương vị thơm, ngọt và giòn. Đặc biệt là 2 loại chôm chôm nhãn (giống chôm chôm nhãn) và chôm chôm tróc (giống chôm chôm Java) được trồng chủ yếu ở thị xã Long Khánh được người tiêu dùng ưa chuộng nhờ chất lượng đặc biệt được hình thành bởi các điều kiện về tự nhiên và bí quyết chăm sóc của người dân nơi đây.

Đồng Nai là tỉnh thuộc rìa Tây Nam của đới nâng bóc mòn Đà Lạt, tiếp giáp với đới sụt - tích tụ của đồng bằng sông Cửu Long. Cao nguyên và đồng bằng chiếm tới 88/7% diện tích toàn tỉnh, tạo thành các bậc, phân bố trong khoảng độ cao từ 1 - 400m. Địa hình bằng phẳng hoặc lượn sóng, có nguồn gốc núi lửa, bóc mòn, bóc mòn - tích tụ.

Địa hình khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý Long Khánh được chia làm 2 dạng địa hình chính là địa hình đồi lượn sóng và địa hình núi thấp, có xu hướng thấp dần theo hướng Bắc Nam.

Dạng địa hình đồi lượn sóng: Độ cao từ 20 - 200m. Bao gồm các đồi bazan, bề mặt địa hình bằng phẳng, thoải, độ dốc từ 3 - 8 độ. Loại địa hình này chiếm diện tích rất lớn so với các dạng địa hình khác bao trùm hầu hết các khối bazan, phù sa cổ. Đất phân bố trên địa hình này gồm nhóm đất đỏ vàng và đất xám.

Ảnh: Dantri.
Ảnh: Dantri.

Dạng địa hình núi thấp: Bao gồm các núi sót rải rác và là phần cuối cùng của dãy Trường Sơn với độ cao thay đổi từ 200 - 800m. Địa hình này phân bố chủ yếu ở phía Bắc còn một vài nút sót Xuân Lộc, núi Nứa, đá mẹ lộ thiên thành cụm với các đá chủ yếu là granit, đá phiến sét.

Nhìn chung, khu vực địa lý có địa hình đồi thoải lượn sóng, chiếm trên 80% diện tích và độ dốc phổ biến từ 3 - 8 độ. Nơi này nằm ở khu vực địa lý khác đặc biệt, là điểm nối giữa vùng núi cao khu vực Tây Nguyên và vùng đồng bằng Nam Bộ.

Với đặc điểm về vị trí và địa hình, khu vực địa lý trồng chôm chôm Long Khánh không bị ảnh hưởng của lũ, ngập nước hay bồi phù sa, nhưng khu vực này lại hình thành bởi các loại đất màu mỡ thích hợp với nhiều loại cây ăn quả, trong đó có chôm chôm. Cùng với đó, với địa hình và vị trí này điều kiện thời tiết và mực nước ngầm cũng sẽ có những đặc trưng riêng. Cây chôm chôm được phân bố trên độ cao vừa phải, không quá thấp và không quá cao. Do đó, sự tích hợp về địa hình - thời tiết - nguồn nước đã hình thành nên một khu vực rất thích hợp để cây chôm chôm phát triển, tạo ra những nét đặc trưng về chất lượng của quả chôm chôm.