Từng chữa thành công cho hàng trăm cặp vợ chồng hiếm muộn, thực hiện những ca mổ khó khăn, trở thành “người khác biệt”, là chuyên gia hàng đầu về chữa hiếm muộn, vô sinh ở Việt Nam và với quan điểm sống “khác người”.
ThS-BS Nguyễn Hữu Cần - giảng viên Đại học (ĐH) Y Hà Nội, bác sĩ (BS) sản Bệnh viện Phụ sản Trung ương (BVPSTƯ) cho rằng - có được những thành công đó một phần là bởi sự “dại khờ” của chính ông.
Đàn ông mà lại đi học sản khoa!
Tôi không nghĩ việc hẹn gặp một BS hàng đầu trong một buổi sáng thứ hai đầu tuần lại dễ dàng như thế. Thường, đầu tuần là ngày họp giao ban, phổ biến kế hoạch công tác tuần, phân công kíp trực, lịch trực, lên phương án đón tiếp bệnh nhân… Tôi ngạc nhiên hỏi ông như để nhắc nhở rằng hôm nay là thứ hai đấy ạ, ông thủng thẳng: “Ừ, đến đi!”. Đến chỗ hẹn, tôi đã thấy ông nhâm nhi ly càphê sánh đặc, ngồi ngắm phố phường đầy vẻ bình thản. Ông mở màn câu chuyện với tôi bằng nụ cười xác nhận: “Tính tôi thế, chẳng giống ai cả”.
Với những cặp vợ chồng hiếm muộn, chắc có lẽ ai cũng biết đến BS Cần “hiếm muộn”. Người ta gọi tắt thế cho nhanh, dù BS Cần chẳng hiếm muộn tí nào, con cái vẫn đầy đủ như ai. Tôi tò mò về chặng đường trở thành “người nổi tiếng” của ông, ông chia sẻ: “Tôi sinh ra ở Thanh Hóa. Học phổ thông xong rồi học ĐH Y Hà Nội, sau đó học BS nội trú rồi đi làm, công tác ở BVPSTƯ từ lúc học xong đến giờ. Nhiều người cũng hỏi vì sao tôi lại thành công. Tôi chưa bước chân ra khỏi biên giới Việt Nam, chưa đi tu nghiệp ở đâu cả. Bằng cấp không có gì nhiều. Công việc thì tôi cứ thế mà làm thôi. Đấy, lý lịch chỉ có thế”.
Nói về cơ duyên làm BS sản khoa, ông thành thật chia sẻ, đó không phải là lựa chọn, mong muốn lúc đi học. Khi học BS nội trú ông học đa khoa, sau đó ông được phân công học sản khoa. “Lúc đó chán lắm, mình là đàn ông mà lại đi học sản khoa, trong khi lại rất thích thích học khoa ngoại.
Mọi người ai cũng có quan niệm không hay về BS khoa sản. Mình là thanh niên mà vào ngành đó thì chắc bạn gái cũng không thích. May mắn là đến giờ thì khoa sản lại là “mốt” đấy. Mọi thứ đã thay đổi. Chỉ một thứ duy nhất không thay đổi, đó chính là sự thay đổi” - ông hài hước.
Tôi hỏi, ông bắt đầu quen và thích chuyên ngành đó từ khi nào, ông bảo không nhớ được. Nhưng mất hai năm đầu học nội trú là ông không thích một chút nào ngành học đó. “Ngày đó nghĩ, mình đâu có con đường nào khác nên đành cố mà học thôi, phải chấp nhận mà làm. Càng làm thì càng bị cuốn vào. Bị cuốn vào rồi thì say mê, yêu và gắn bó với chuyên ngành đó”.
Tôi “dại khờ”
“Nhìn lại con đường đã đi, tôi chiêm nghiệm ra một điều, có lẽ điều khiến cho mình thành công là bởi mình có cái tố chất “dại khờ” theo đúng nghĩa. Có lẽ ai cũng sẽ ngạc nhiên, nhưng tôi thấy bản thân mình đúng như thế. Tôi không khéo léo trong chuyện “quan hệ” để lấy lòng người khác, tôi cũng chẳng có gì để mà “quan hệ”. Tôi “dại khờ” bởi tôi không biết nhún nhường, không biết nịnh bợ, không biết giả dối. Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, bố đi cấy, mẹ đi cày, lấy đâu ra tiền. Tôi cũng chẳng có năng khiếu giao tiếp khéo léo, bởi thế mà thi thoảng bạn bè hay gọi đùa tôi là Nguyễn Bất Cần. Tôi thấy ừ, đúng thật!” - ông cười bảo.
Cũng bởi dại khờ mà cũng là cơ duyên, những công việc ông đảm nhiệm, những vị trí ông làm đều là những công việc khó khăn nhất, dễ thách thức năng lực của con người nhất. Nếu người ta đầu hàng để buông xuôi thì chắc chắn sẽ cầm chắc trong tay sự thất bại. Nhưng trong cái khó khăn đến “dại khờ” ấy, ông đã vươn lên khẳng định được năng lực của chính mình. Càng khó khăn, ông càng cố gắng gấp đôi, gấp ba sức mình. Khó khăn, gian khổ giúp ông trở nên cứng cáp, trưởng thành.
Sự khác nhau giữa người thành công và người thất bại, theo ông chính là sự hiểu biết, trí tuệ. Mà nó chẳng là cái gì cao siêu, nó chính là khả năng biết nhìn nhận sai lầm của mình và sai lầm của người khác. “Mọi người thường hay tự chối bỏ sai lầm của mình, gièm pha, thích thú với sai lầm của người khác. Tôi gọi đó là sự ngu ngốc. Bản thân tôi không bao giờ coi thường lỗi lầm của người khác mà sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ và học hỏi họ. Tôi luôn coi bệnh nhân là người thầy của mình. Tôi vẫn nói với sinh viên, hãy coi mỗi bệnh nhân là một người thầy giúp ta có thêm hiểu biết, chứ không phải là các cuốn sách hàn lâm hay những ông thầy siêu việt. Chừng nào các bạn chưa cảm nhận được rằng người thầy vĩ đại nhất là bệnh nhân, thì bạn chưa thể làm tốt” - BS Cần chia sẻ.
Nam làm nghề phụ sản tốt chứ!
Trong lĩnh vực phụ sản, theo ông thì giữa nam và nữ, ai làm tốt hơn? Ông khẳng định ngay là nam làm tốt hơn, bởi họ có sự mạnh mẽ, quyết đoán trong từng tình huống cần có sự quyết liệt. Sản khoa là chuyên ngành khốc liệt hơn nhiều so với những khoa khác. Nếu không can đảm, mạnh mẽ, quyết đoán thì sẽ chỉ là sợ hãi, để cho nó xảy ra rồi nhận kết quả.
Ông suốt ngày phải tiếp xúc với sản phụ, với những chỗ thầm kín nhất của người phụ nữ thì liệu ông có còn cảm xúc với đàn bà? Ông bảo đó là hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau. Ông cũng bị quyến rũ bởi cái đẹp. “Chắc tôi không tin rằng một BS sản khoa nào đứng trước phụ nữ đẹp lại không có cảm xúc gì. Hơn nữa, cái cảm xúc của yêu đương và cảm xúc của tình dục khác nhau. Đâu phải đơn thuần là chỉ nhìn thấy bộ phận sinh dục của một người là có cảm xúc yêu đương hay tình dục. Công việc là công việc, dù người đó trông như thế nào”.
Trở thành người chữa hiếm muộn cũng là một cái duyên của ông. BS Cần kể: “Trước đây, BVPSTƯ là địa chỉ duy nhất để các cặp vợ chồng hiếm muộn tìm đến chữa trị. Sự hiểu biết về lĩnh vực này khi đó còn ít. Ông may mắn được đi theo cố GS Nguyễn Khắc Liêu, đã được chứng kiến những thành quả tuyệt vời của các cặp vợ chồng. Thực tế khi thăm khám hiếm muộn, các cặp vợ chồng thường được chỉ định làm một loạt xét nghiệm với chẩn đoán chung chung là “vô sinh không rõ nguyên nhân”. Người có kiến thức chuyên sâu, có kinh nghiệm sẽ nhận biết được trong cái “không sao” ấy kỳ thực là “có sao”. Làm thế nào để nhìn ra cái “có sao” ấy đòi hỏi phải tư duy sâu sắc chứ không đơn giản chỉ dựa vào những cuốn sách, những lý thuyết suông.
Đến giờ, đã có hàng trăm cặp vợ chồng hiếm muộn được BS Cần chữa trị thành công. Bí quyết để làm nên thành công ấy - theo ông - chính là sự hiểu biết, trí tuệ. Làm nghề nào cũng thế, hiểu biết càng ít thì rủi ro càng nhiều, nhất là trong nghề y. Tuy nhiên cũng có một mâu thuẫn, nếu chỉ thăm khám, chữa trị theo đúng những lý thuyết được học thì rất khó có những phát minh đột phá, rất khó tạo ra được những cái riêng. BS tất nhiên không bao giờ lấy tính mạng bệnh nhân ra để đánh cược, nhưng trong nhiều tình huống khác nhau, để tạo ra sự đột phá, sáng tạo, BS phải dám làm khác đi. “Tôi mổ đẻ không giống ai, đỡ đẻ cũng chẳng giống ai cả. Ai đã từng làm việc với tôi thì đều biết rõ điều đó. Vì sao tôi lại khác? Chỉ đơn giản vì tôi nghĩ, điều gì là tốt nhất thì hãy tư duy để làm. Khi đôi bàn tay làm việc theo tư duy, theo sự vận động không ngừng nghỉ của trí não thì kết quả khó mà thất bại được” - BS Cần chia sẻ.