Nhà nước đang nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thông qua các đề án như đề án Thung lũng Silicon Việt Nam (VSV), hay lớn hơn là đề án quốc gia Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) xây dựng.
Điểm sáng đề án Silicon
Ngày 4/6/2013, Bộ KH&CN đã phê duyệt “Đề án thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon tại Việt Nam” (VSV) với mục tiêu là thúc đẩy thương mại hóa công nghệ ưu tiên thuộc các lĩnh vực năng lượng, y sinh, cơ khí, tự động hóa, vật liệu mới, công nghệ thông tin và viễn thông theo mô hình Thung lũng Silicon và xây dựng mối quan hệ giữa Quỹ đầu tư mạo hiểm và doanh nghiệp khởi nghiệp. Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp (NATEC) được lãnh đạo Bộ KH&CN giao làm đơn vị chủ trì thực hiện đề án VSV.
Sau 2 năm triển khai, đề án đã đạt được nhiều thành công đáng kể. Hàng loạt các hội thảo được tổ chức để kết nối giữa doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước với các nhà đầu tư nội địa và thế giới. Đặc biệt, VSV đã tổ chức thành công khóa tập huấn tập trung (bootcamp) trong vòng 4 tháng để hỗ trợ khởi nghiệp chuyên sâu cho 9 nhóm khởi nghiệp, được lựa chọn từ hơn 90 dự án/doanh nghiệp khởi nghiệp tiềm năng trên cả nước. Đến nay đã có 3 nhóm nhận được đầu tư (trong đó có 1 nhóm được nhà đầu tư định giá là 1,8 triệu USD, 1 nhóm được định giá là 2 triệu USD và 1 nhóm được định giá 800.000USD), 6 nhóm còn lại đang trong quá trình đàm phán với các quỹ đầu tư mạo hiểm của nước ngoài.
Điểm được coi là đáng tự hào nhất của VSV là sự kết hợp giữa Nhà nước và tư nhân trong việc cùng triển khai đề án. Nếu Nhà nước đóng vai trò chính trong việc chỉ đạo các quan điểm vĩ mô, cung cấp kinh phí cho việc nghiên cứu các mô hình, tổ chức các buổi hội thảo, tham quan học hỏi kinh nghiệm các nước cho đề án thì đơn vị tư nhân, các doanh nhân, nhà đầu tư có kinh nghiệm thực hiện việc xây dựng toàn bộ chương trình thúc đẩy kinh doanh từ quy trình lựa chọn các doanh nghiệp tiềm năng, đến việc mời các nhà tư vấn từ trong nước và nước ngoài và đặc biệt là tự họ cấp vốn mồi ban đầu khoảng 10 nghìn USD cho mỗi doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia bootcamp. Sự thành công của đề án được thể hiện bởi những doanh nghiệp tăng giá trị lên gấp 5-10 lần sau khi được tập huấn cũng như sự đánh giá cao của các nhà đầu tư, chuyên gia trong nước và nước ngoài đã minh chứng cho sự phối hợp chặt chẽ này giữa Nhà nước và tư nhân.
Sau bootcamp đầu tiên, đề án đang tiếp tục quá trình lựa chọn các doanh nghiệp để tham gia bootcamp lần 2 trong năm 2015.
Sự thành công của đề án tiếp tục được tiếp nối khi kêu gọi được các doanh nhân, nhà đầu tư nhiều tâm huyết tham gia thành lập Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam (Vietnam Startup Foundation - VSF) vào ngày 16/12/2014.
Nhà nước đóng vai trò đòn bẩy
Ở Việt Nam, để hỗ trợ cho các doanh nghiệp KH&CN khởi nghiệp, vai trò của Nhà nước là vô cùng quan trọng.
Thứ nhất, Nhà nước cần chung tay chia sẻ những rủi ro trong hoạt động đầu tư mạo hiểm: Rủi ro đối với ngân hàng có thể được chia sẻ thông qua hoạt động bảo lãnh công nghệ trong tín dụng; rủi ro đối với các nhà đầu tư có thể được chia sẻ khi Nhà nước đối ứng với vốn đầu tư của các VCs, các nhà đầu tư thiên thần,…
Thứ hai, Nhà nước cần tham gia vào hoạt động đầu tư mạo hiểm cho các lĩnh vực KH&CN có thể mang lại nhiều lợi ích cho xã hội và kinh tế quốc gia như công nghệ sinh học, vật liệu mới,… mà các nhà đầu tư tư nhân chưa mấy “mặn mà”.
Thứ ba, đối với giai đoạn đầu khởi nghiệp khi doanh nghiệp mới chỉ có ý tưởng công nghệ chứ chưa thực sự có nguồn thu, doanh nghiệp sẽ rất khó gọi được vốn đầu tư từ các quỹ. Do đó, Nhà nước cần hỗ trợ vốn mồi cho doanh nghiệp trong giai đoạn đầu (early stage), có thể bằng cách trực tiếp đầu tư, tài trợ hoặc đối ứng đầu tư với các nhà đầu tư thiên thần và các quỹ đầu tư cho giai đoạn đầu. Giai đoạn phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp càng sớm, tỷ lệ đối ứng của Nhà nước càng cao.
Thứ tư, Nhà nước cần hỗ trợ, đầu tư cho các hoạt động đào tạo, tập huấn khởi nghiệp, nhất là tại các trường đại học. Đây chính là đầu vào dồi dào cho các ý tưởng công nghệ khởi nghiệp.
Cuối cùng, Nhà nước cần kết nối các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp thành một mạng lưới để họ biết được những thông tin về nhau một cách dễ dàng hơn, từ đó nâng cao số lượng và hiệu quả đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp.
Nhằm mục đích thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thông qua việc nâng cao chất lượng, quy mô và sự liên kết giữa các tổ chức, cá nhân trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Bộ KH&CN đang xây dựng đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (viết tắt là đề án Hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia). Đề án này nhằm xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ triển khai các chương trình đào tạo trong lĩnh vực khởi nghiệp; cung cấp hạ tầng cơ sở, không gian làm việc chung cho các doanh nghiệp khởi nghiệp; phổ biến và kết nối thông tin cho các thành phần khác nhau của hệ sinh thái khởi nghiệp; đối ứng vốn với nhà đâu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm, các tổ chức hỗ trợ; nâng cao hợp tác quốc tế trong hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp.
Ngoài ra, đề án Hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia đưa ra đề xuất để phát triển đề án VSV thành một dự án KH&CN cấp quốc gia, từ đó giải quyết được vấn đề về quy mô kinh phí, nội dung chi phù hợp cũng như đảm bảo được quy trình cấp vốn nhanh và thuận lợi hơn so với một đề án cấp bộ.
(*) Tiêu đề do toà soạn đặt