Vừa qua, Sở KH&CN Bạc Liêu phối hợp với UBND huyện Vĩnh Lợi tổ chức hội thảo khoa học Giải pháp phát triển thương hiệu "Gạo Tài nguyên Vĩnh Lợi".
Tham dự hội thảo có TS Huỳnh Minh Hoàng - Giám đốc Sở KH&CN; ông Từ Minh Phúc - Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lợi; ông Võ Văn Thắng - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh; ông Trịnh Hoài Thanh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ông Trần Danh Tuyên - Phó Giám đốc Sở Công Thương; ông Phạm Thống Nhất - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền Thông; PGS.TS Võ Thị Thanh Lộc - Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL, Trường Đại học Cần Thơ cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan và hơn 50 nông dân trên địa bàn huyện Vĩnh Lợi.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Huỳnh Minh Hoàng - Giám đốc Sở KH&CN -cho biết: Lúa Tài nguyên là một giống lúa đặc sản truyền thống của huyện Vĩnh Lợi, giống lúa có nguồn gốc là giống lúa mùa địa phương, qua quá trình sản xuất đã được nông dân chọn lọc và đưa vào sản xuất cách đây hơn 30 năm qua. Biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn đã tác động đến tài nguyên đất, hệ sinh thái, môi trường, gây ảnh hưởng đến chất lượng gạo Tài nguyên. Vì vậy qua hội thảo khoa học này, Sở KH&CN và UBND huyện Vĩnh Lợi mong muốn nhận được nhiều đóng góp ý kiến từ các nhà khoa học, các sở ban ngành có liên quan và bà con nông dân để chúng ta sớm tìm ra các giải pháp nhằm cải thiện lại môi trường, hệ sinh thái để giống lúa Tài nguyên phát triển ngày càng tốt hơn về chất lượng cũng như phát triển thương hiệu.
Tại hội thảo các đại biểu đã có nhiều ý kiến phát biểu, đề xuất giải pháp phát triển thương hiệu gạo Tài nguyên Vĩnh Lợi trong thời gian tới. Để thương hiệu gạo Tài nguyên Vĩnh Lợi ngày càng phát triển và được thị trường ưa chuộng nhiều cần có sự thay đổi về tư duy quản lý, tư duy trong sản xuất. Ngoài ra, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng chuỗi cung ứng gạo Tài nguyên Vĩnh Lợi; triển khai xây dựng mô hình thí điểm nâng cao chất lượng gạo Tài nguyên an toàn theo hướng VietGAP; yêu cầu nông dân thay đổi tập quán canh tác, khuyến khích sử dụng thuốc, phân vi sinh, giảm tối đa phân thuốc hóa học; khuyến khích không sử dụng các loại vật tư nông nghiệp có chứa hoạt chất bonsai- loại hoạt chất này có khả năng làm giảm đặc tính trong hạt gạo Tài nguyên (như: hạt đục, mềm cơm, thơm ngon); đồng thời tiếp tục cải thiện giống Tài nguyên thuần chủng, tuyên truyền các doanh nghiệp có ý thức đạo đức trong kinh doanh, không trộn gạo rẻ tiền làm mất phẩm chất gạo Tài nguyên; quan tâm củng cố các tổ hợp tác sản xuất lúa Tài nguyên chất lượng; phát triển các mô hình sản xuất quy mô lớn, chủ động liên kết kinh doanh với các công ty tiêu thụ lúa gạo Tài nguyên để giữ vững thương hiệu lâu dài.
Phát biểu tại hội thảo, ông Từ Minh Phúc - Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lợi cho biết: "Sau khi nghe nội dung các báo cáo chuyên đề tại hội thảo cũng như các ý kiến của các nhà khoa học và bà con nông dân, tôi thay mặt cho UBND huyện Vĩnh Lợi xin được tiếp thu, ghi nhận và trong thời gian sắp tới sẽ tham mưu, chỉ đạo các ngành chức năng của huyện xây dựng các mô hình thí điểm nâng cao chất lượng gạo Tài nguyên an toàn theo hướng VietGAP, nghiên cứu thành phần dinh dưỡng thổ nhưỡng cây trồng, mạnh dạn tìm kiếm các doanh nghiệp hỗ trợ bao tiêu sản phẩm, giúp bà con nông dân yên tâm sản xuất, phát triển chất lượng cũng như thương hiệu gạo Tài nguyên Vĩnh Lợi.
Hội thảo lần này là một hoạt động có ý nghĩa hết sức thiết thực, giúp đưa ra nhiều giải pháp phù hợp từ khâu sản xuất đến khâu liên kết tiêu thụ. Đặc biệt là có sự hỗ trợ của các nhà khoa học thuộc viện, trường, doanh nghiệp nghiên cứu đề xuất các giải pháp khoa học công nghệ kỹ thuật tiên tiến ứng dụng vào sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm lúa gạo Tài nguyên Vĩnh Lợi đảm bảo chất lượng, giá trị, nâng cao thương hiệu sản phẩm và thu nhập cho nông dân.