Vừa qua, Sở KH&CN Bắc Giang đã tổ chức Hội đồng nghiệm thu dự án Ứng dụng tiến bộ KH&CN trong sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu nhằm nâng cao năng suất, chất lương và phát triển thương hiệu nấm trên địa bàn tỉnh Bắc Giang”

Đề tài do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nấm - Viện Di truyền Nông nghiệp đề xuất triển khai thực hiện từ tháng 4/2017 đến tháng 4/2019 với tổng kinh phí hơn 4.8 tỷ đồng.

Qua 2 năm triển khai, dự án đã: Xây dựng mô hình sản xuất giống nấm dạng dịch thể công suất 80 - 100 lít/mẻ nhân giống, quy mô đạt 2.000 lít giống/năm, chất lượng giống nấm tăng, tỷ lệ nhiễm dưới 5%; mô hình sản xuất nấm thương phẩm 2 giống nấm Kim phúc và Chân dài quy mô 80 tấn nguyên liệu; mô hình trồng nấm thương phẩm Mộc nhĩ quy mô 80 tấn nguyên liệu; mô hình trồng nấm Linh chi quy mô 100 tấn nguyên liệu. Các mô hình sản xuất này được thực hiện ở Trung tâm Giống nấm Bắc Giang, Trung tâm Ứng dụng KH&CN và một số hợp tác xã, hộ sản xuất trên địa bàn tỉnh.

Điểm nổi bật của dự án là ứng dụng công nghệ nhân giống dạng dịch thể. Công nghệ này cho phép thu được một lượng lớn sinh khối sợi nấm để làm giống cấp 1, giống cấp 2, đồng thời, có thể trực tiếp làm giống thương phẩm. Giống nấm dạng dịch thể có rất nhiều ưu điểm vượt trội so với giống nấm trên cơ chất tổng hợp dạng rắn. Thời gian nhân giống được rút ngắn xuống từ 10 - 15 ngày, hệ số nhân giống tăng từ 7 - 10 lần và giảm tối thiểu tỷ lệ nhiễm bệnh nếu kiểm soát tốt các yếu tố đầu vào. Tuổi giống đồng đều, chất lượng giống nấm ổn định, năng suất có thể tăng từ 5 - 10% so với sử dụng giống nấm truyền thống. Giá thành sản xuất giống theo phương pháp này thấp chỉ bằng 1/3 so với trên chất rắn”.

Tại Hội đồng, các thành viên đánh kết quả đạt được của dự án và thống nhất nghiệm thu với kết quả đạt yêu cầu. Tuy nhiên, các thành viên Hội đồng cũng đề nghị chủ nhiệm dự án xem xét, chỉnh sửa một số nội dung như: xem xét lại quy trình sản xuất, nêu rõ nguồn gốc công nghệ nhân giống; đánh giá tình hình sâu bệnh hại; đưa ra khuyến cáo cho người dân.