Việc canh tác tiêu theo phương pháp hữu cơ vừa tiết kiệm chi phí, lại vừa giúp nâng cao chất lượng hồ tiêu, qua đó nâng cao thu nhập cho nông dân Bà Rịa - Vũng Tàu.
Giảm chi phí, nâng chất lượng hồ tiêu
Ông Đặng Văn Là, người trồng tiêu ở thôn Tân Hưng, xã Bàu Chinh (huyện Châu Đức) cho biết, từ năm 2014, sau khi tham gia lớp tập huấn về trồng tiêu an toàn theo hướng VietGAP do Sở KH&CN phối hợp với Viện Khoa học và Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam tổ chức, ông đã chuyển đổi phương thức canh tác trồng 2 ha tiêu của gia đình. Theo đó, trong quá trình trồng tiêu, ông Là sử dụng các chế phẩm sinh học có nguồn gốc hữu cơ như tự ủ phân bò, đốt tro củi làm phân bón đất; trồng đậu phộng dại trong vườn nhằm giảm bốc hơi nước, giữ ẩm cho đất và hạn chế cỏ mọc. Nhờ đó, những năm qua, vườn tiêu của ông phát triển tốt, ít sâu bệnh, cho năng suất ổn định. Trung bình mỗi vụ, vườn tiêu của ông đạt sản lượng 2,5-3 tấn/ha. Dù giá tiêu hiện nay chỉ còn 100-110 ngàn đồng/kg, nhưng ông vẫn lãi 30-40 ngàn đồng/kg.
Tương tự, ông Nguyễn Ngọc, ngụ tại tổ 9, thôn Lạc Long, xã Kim Long (huyện Châu Đức) cho biết, sau khi tham gia các lớp tập huấn và được Kỹ sư nông nghiệp đến từ Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh và Viện khoa học và Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam ra tận vườn hỗ trợ kỹ thuật nên ông đã không còn dùng thuốc BVTV trong việc trồng 1ha tiêu của gia đình, mà chỉ sử dụng các chế phẩm hữu cơ. Theo ông Ngọc, phương pháp trồng tiêu sạch giúp giảm khoảng 30% chi phí. Trước đây, chi phí chăm sóc mỗi gốc tiêu khoảng 100 ngàn đồng/vụ, nay chỉ còn 50-60 ngàn đồng/vụ. Nhờ đó, lợi nhuận thu được từ trồng tiêu cũng tăng lên, ông Ngọc phấn khởi cho biết.
Theo ông Phan Thành Lợi, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bàu Chinh, với cách trồng truyền thống, nông dân thường có thói quen lạm dụng thuốc BVTV nên tiêu dễ nhiễm kim loại nặng từ thuốc trừ sâu, từ đó ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng hạt tiêu. Do vậy, việc sử dụng các chế phẩm hữu cơ theo hướng VietGAP trong trồng tiêu giúp nông dân giảm chi phí nhưng vẫn sản xuất ra sản phẩm sạch, chất lượng cao. Trong 2 năm qua, tổng số hộ trồng tiêu theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn xã Bàu Chinh đã tăng lên 106 hộ, với tổng diện tích gần 100 ha.
Ảnh minh họa.
Cần sớm chuyển đổi phương thức canh tác truyền thống
ThS Chu Trung Kiên, Viện Khoa học và Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam cho biết, những năm gần đây, hồ tiêu là loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao nhưng việc canh tác loại cây này của bà con nông dân đang gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do bệnh vàng lá, chết nhanh, chết chậm thường xuyên “tấn công” các vườn tiêu. Để chữa bệnh, bà con nông dân sử dụng quá nhiều thuốc BVTV khiến hồ tiêu tồn dư nhiều chất độc hại, dẫn đến khó xuất khẩu. Gần đây, nhiều nước nhập khẩu tiêu lớn như Tây Ban Nha, Hoa Kỳ bắt đầu lo ngại về chất lượng tiêu Việt Nam. Từ thực tế này, bà con cần chuyển sang trồng tiêu theo phương pháp hữu cơ và sinh học nhằm giảm nguy cơ cây tiêu bị mắc bệnh và giúp nâng cao chất lượng sản phẩm hồ tiêu Việt Nam.
Ông Lương Văn Thăng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu tỉnh cho biết, tổng diện tích trồng tiêu của tỉnh hiện đã lên đến hơn 12 ngàn ha, trong đó tỷ lệ trồng tiêu sạch trên cơ sở sử dụng chế phẩm sinh học có nguồn gốc hữu cơ trong trồng tiêu còn khá thấp. Tới đây, Hiệp hội sẽ tiếp tục tuyên truyền để nông dân trên địa bàn tỉnh chuyển đổi và tăng dần diện tích canh tác tiêu sạch nhằm tăng chất lượng và giá trị sản phẩm.
Được biết, thời gian qua, Sở KH&CN đã tổ chức nhiều lớp chuyên đề về trồng tiêu sạch theo hướng VietGAP cho nông dân BR-VT. Thời gian tới, Sở có kế hoạch tiếp tục phối hợp với các chuyên gia tiếp tục mở các lớp tập huấn, tuyên truyền, phổ biến kỹ thuật trồng tiêu sạch cho bà con nông dân để phát triển hồ tiêu một cách bền vững.