Để đảm bảo chất lượng đặc thù của cam Cao Phong, ngoài các yếu tố về điều kiện tự nhiên, cần tuân thủ đúng các khâu của quy trình kỹ thuật canh tác cam.
So với các vùng cam khác, tại Cao Phong thì phân hữu cơ hoai mục được sử dụng và duy trì định kỳ ở mức cao trong suốt quá trình canh tác: Lót 40 - 60 kg/cây, sau thu hoạch trên 80 kg/cây/vụ. Phân hữu cơ thường bón kết hợp với vôi (khử chua đất…).
Phòng trừ sâu hại, bệnh hại được tiến hành thường xuyên và kịp thời. Nhiều vùng cam khác của Việt Nam dễ bị mắc bệnh Greening (chất lượng quả kém, cây chết hàng loạt) nhưng cam Cao Phong gần như miễn nhiễm với loại bệnh này.
Cam canh trồng tại Cao Phong. Ảnh: Camcaophong.
Cam Cao Phong được sản xuất từ cây giống ghép mắt nên cây thấp, dễ chăm sóc và nhanh cho thu hoạch. Đất trồng cam của Cao Phong có tầng mặt dày trên > 1m, tơi xốp tạo điều kiện cho cây có bộ rễ bám sâu và vững chắc. Việc lựa chọn cây giống bằng phương pháp ghép mắt với gốc ghép là cây bưởi rừng (đối với các giống Xã Đoài) hoặc bưởi Diễn (đối với giống cam Canh) rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng.
Khác với nhiều vùng sản xuất cam của Việt Nam, huyện Cao Phong đã duy trì được vùng sản xuất tập trung ổn định trong nhiều thập kỷ và mở rộng diện tích từ vùng tập trung ra các vùng xung quanh một phần là nhờ kỹ thuật nhân giống. Cây giống ghép có bộ rễ phát triển, hút được nhiều chất dinh dưỡng, cây khỏe và có sức đề kháng tốt, hạn chế được sâu bệnh xâm nhập giai đoạn đầu.
Nhiều vùng cam của Việt Nam sử dụng cây giống chiết. Đặc điểm của cây giống chiết là bộ rễ ăn nông, kém phát triển và không phù hợp với loại đất có tầng mặt sâu. Cành chiết to tiềm ẩn các loại sâu hại, bệnh hại, đặc biệt là bệnh Greening, Testera... Khi trồng, các mầm bệnh phát tán, sức đề kháng kém dẫn đến cây sớm bị bệnh: Phủ Quỳ (Nghệ An), Hương Sơn (Hà Tĩnh)..., làm cho vùng sản xuất bị thu hẹp.
Phương Thảo - Hương Trang (Cục Sở hữu trí tuệ)