Mật ong Mèo Vạc là đặc sản quý hiếm chỉ có riêng ở vùng cao nguyên đá Đồng Văn và Mèo Vạc cũng là địa phương phát triển mạnh nhất hoạt động nuôi ong mật.

Mèo Vạc là tên của một huyện của tỉnh Hà Giang, là trong 4 huyện thuộc cao nguyên đá Đồng Văn của tỉnh Hà Giang. Ngày 15/12/1962, huyện Mèo Vạc được thành lập trên cơ sở tách huyện Đồng Văn thành 3 huyện là Yên Minh, Mèo Vạc và Đồng Văn. Huyện Mèo Vạc lúc đó bao gồm 16 xã, 159 thôn bản, trung tâm đặt tại xã Mèo Vạc (nay là thị trấn Mèo Vạc). Năm 1982, danh giới huyện Mèo Vạc thay đổi, theo đó mở rộng thêm 3 xã của huyện Yên Minh là Niêm Sơn, Nậm Ban, Tát Ngà, nhưng lại chuyển 3 xã là Lũng Phìn, Hố Quáng Phìn và Sủng Chái sang huyện Đồng Văn.

Huyện Mèo Vạc nằm ở phía Tây của Cao nguyên đá Đồng Văn, một di sản địa chất được UNESCO công nhận “Cao nguyên địa chất toàn cầu”. Cao nguyên đá Đồng Văn nằm ở độ cao trung bình 1.000 - 1.600m so với mực nước biển, trên diện tích gần 2.356 km² trải dài qua địa bàn 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc và Đồng Văn. Đây là một trong những vùng đá vôi đặc biệt của Việt Nam, chứa đựng những dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển của vỏ trái đất.

Nghề nuôi ong lấy mật từ hoa cây bạc hà trên cao nguyên đá Đồng Văn.
Nghề nuôi ong lấy mật từ hoa cây bạc hà trên cao nguyên đá Đồng Văn.

Mật ong hoa bạc hà là đặc sản quý hiếm chỉ có riêng ở vùng cao nguyên đá Đồng Văn, nơi duy nhất có cây nguồn mật bạc hà, hoa màu tím tỏa hương thơm dịu nhẹ. Nghề nuôi ong lấy mật của người Mông tại đây đã có từ nhiều đời nay.

Mèo Vạc là địa phương phát triển mạnh nhất hoạt động nuôi ong mật và cũng là nơi mà có nhiều du khách đến thăm quan. Mèo Vạc cũng là nơi gắn liền với hoạt động thương mại sản phẩm mật ong bạc hà. Vì vậy, tên địa danh Mèo Vạc đã gắn liền với quá trình thương mại của sản phẩm mật ong. Sự nổi danh của sản phẩm mật ong bạc hà tại cao nguyên đá Đồng Văn gắn liền với Mèo Vạc và trở thành tên gọi của sản phẩm của khu vực địa lý này.