Nhận chuyển giao và đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ nhân giống nấm dạng dịch thể, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) thuộc Sở KH&CN Hải Phòng hy vọng sẽ thúc đẩy ngành sản xuất nấm của địa phương phát triển một cách hiệu quả.

Ông Vũ Công Quý - Giám đốc trung tâm - cho biết: “Trung tâm đã xây dựng thành công mô hình ứng dụng công nghệ nhân giống dạng dịch thể sản xuất giống nấm và sắp tới sẽ đẩy mạnh cung cấp giống nấm dạng dịch thể không chỉ trong địa bàn tỉnh”.

Sản xuất giống nhanh hơn, giá rẻ hơn

Nhận thấy công nghệ sản xuất giống dịch thể nấm sò, nấm linh chi của Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam phù hợp với điều kiện thực tiễn của Hải Phòng, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN đã mạnh dạn triển khai dự án ứng dụng công nghệ nhân giống nấm dịch thể tại địa phương, do kỹ sư Lương Hoàn Đức - Phó Trưởng phòng Công nghệ sinh học - làm chủ nhiệm.

Khác với công nghệ nhân giống nấm truyền thống, công nghệ nhân giống dạng dịch thể giúp người dùng có thể sản xuất lượng sinh khối lớn trong một thời gian ngắn. Thời gian làm giống rút ngắn đến 50%, trong khi chất lượng giống tương đối đồng đều, giúp đảm bảo sự chủ động trong sản xuất giống phục vụ sản xuất công nghiệp. “Công nghệ này cũng sử dụng ít diện tích nhà xưởng hơn so với việc sản xuất giống theo cách truyền thống, tức sản xuất nấm trên hạt thóc, hạt lúa mỳ, que sắn...” - ông Lương Hoàn Đức cho biết.

Mô hình thử nghiệm giống nấm linh chi dịch thể tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Hải Phòng. Ảnh: Ngọc Lam

Nhờ tập trung tìm hiểu, nhận chuyển giao công nghệ nhân giống nấm, chỉ sau gần một năm, kỹ sư Đức cùng các cộng sự đã phân lập được 187 ống giống nấm sò, 183 ống giống nấm linh chi, sản xuất 260 lít giống nấm dịch thể cấp 1, 2, 3 và 100 ống giống gốc thuần của cả 2 loại.

Ông Vũ Công Quý đánh giá: “Đây là công nghệ mới rất hữu ích cho việc phát triển nghề sản xuất nấm tại địa phương. Trong quá trình sản xuất, thời gian nhân giống và vận chuyển đều được rút ngắn. Một ưu điểm khác là dễ dàng kiểm soát chất lượng giống, hạn chế tỷ lệ tạp nhiễm; đồng thời duy trì được chủng giống trong môi trường vô trùng, giảm tỷ lệ nhiễm bệnh, trong khi giá bán cho hộ dân để sử dụng trồng nấm thương phẩm rẻ hơn rất nhiều so với trước đây”. Theo kỹ sư Đức, công nghệ này nếu được chuyển giao thành công sẽ thúc đẩy ngành sản xuất nấm của Hải Phòng phát triển một cách hiệu quả.

Kết thúc quá trình chuyển giao công nghệ, trung tâm đã có 5 cán bộ kỹ thuật được đào tạo từ dự án, được cấp chứng chỉ đào tạo của đơn vị chuyển giao, 100% cán bộ được đào tạo nắm vững các kỹ thuật nhân nuôi giống nấm và vận dụng thành thạo quy trình công nghệ phục vụ triển khai dự án.


Đáp ứng nhu cầu của quy mô công nghiệp

Kỹ sư Lương Hoàn Đức cho biết, dự án đã thử nghiệm trồng nấm thành công tại khu thực nghiệm của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN với 1.000 bịch nấm sò, 1.000 bịch nấm linh chi thương phẩm trên quy mô thử nghiệm 200m2. Theo ông, việc sản xuất giống nấm dạng dịch thể (huyền phù) dễ dàng đáp ứng yêu cầu sản xuất ở quy mô công nghiệp (bao gồm cả việc trồng thể quả trên cơ chất rắn, hoặc sản xuất sinh khối nấm thương phẩm).

“Sau dự án, chúng tôi sẽ nhân rộng cho người dân và doanh nghiệp dùng giống nấm cấp 3 dạng dịch thể của trung tâm để sản xuất nấm thương phẩm” - ông Đức cho biết. “Công nghệ này còn mới mẻ đối với người dân địa phương về quy trình sản xuất, trang thiết bị, yêu cầu kỹ thuật... Do đó, để đạt hiệu quả tối ưu, bà con khi ứng dụng cần tuân thủ đúng yêu cầu kỹ thuật của đơn vị chuyển giao”.

Còn ông Vũ Công Quý chia sẻ: “Tín hiệu đáng mừng là khi nghe thấy có công nghệ nhân giống dạng dịch về địa phương, bà con hưởng ứng nhiệt tình và rất ủng hộ. Dự định sắp tới, chúng tôi sẽ mở rộng sản xuất để cung cấp giống cho các vùng sản xuất nấm lớn của địa phương như thành phố Hải Phòng, huyện Vĩnh Bảo, huyện Tiên Lãng, đặc biệt là mở rộng thị trường sang các tỉnh lân cận” - ông Quý cho biết.