Thiết kế máy bay mới từ ĐH Công nghệ TU Delft (Hà Lan) hứa hẹn tiết kiệm nhiên liệu 20% so với các thiết kế hiện tại.

Mẫu máy bay Flying-V của KLM và TU Delft
Mẫu máy bay Flying-V của KLM và TU Delft

Đầu tháng 6, hãng hàng không quốc gia của Hà Lan KLM Royal Dutch Airlines giới thiệu kế hoạch một mẫu máy bay mới hoàn toàn có hình dạng chữ V được gọi tên là Flying-V.

Khác với các máy bay hiện thời, Flying-V có thiết kế tích hợp cabin, bình nhiên liệu và khoang chở hàng ở phần cánh.

Nhờ thiết kế khí động học, mẫu máy bay sử dụng ít nhiên liệu hơn 20% so với Airbus A350-900 trong khi chở số lượng hành khách tương đương (314 người).

Flying-V cũng có sải cánh 65 m như A350, cho phép nó sử dụng cơ sở hạ tầng hiện có tại sân bay như cổng, đường băng, nhà chứa...

CNN cho biết phiên bản mẫu có thể xuất hiện trong tháng 10 này để xem xét khả năng liệu nó duy trì sự ổn định khi bay ở vận tốc thấp trong lúc cất, hạ cánh. Tuy nhiên phiên bản hoàn chỉnh để có thể đưa vào phục vụ thì phải chờ đến ít nhất năm 2040.

Ý tưởng về máy bay chở khách, hàng hóa và nhiên liệu trong sải cánh thuộc về Justus Benad khi anh còn là sinh viên trường ĐH Công nghệ Berlin thực hiện luận án tại Airbus Hamburg. Sau đó nó được phát triển tiếp bởi ĐH Kỹ thuật Delft (Hà Lan), hiện đang hợp tác với KLM.

Tuy nhiên, Ars Technica cho rằng thiết kế của Flying-V rất có thể sẽ thất bại giống như các thiết kế thân cánh hợp nhất từng được đưa ra trong vài năm gần đây bởi một lý do chung: khả năng nghiêng cánh khi lượn hoặc quay vòng.

Máy bay đổi hướng bằng cách nghiêng cánh theo một góc nhất định. Ars Technica cho rằng trong thiết kế máy bay thông thường việc nghiêng cánh khi đổi hướng không phải là vấn đề lớn bởi hành khách thường ngồi tập trung theo trục trung tâm của máy bay. Nhưng với những thiết kế liền thân cánh như Flying-V, khi khối lượng phân bổ ngày càng xa trục trung tâm thì hiệu ứng sẽ càng trở nên rõ rệt.

Nguồn: