Điều này đồng nghĩa với việc thành phố chỉ có thể giải quyết được ô nhiễm không khí nếu phối hợp với các tỉnh lân cận.

Hơn 40% dân số Hà Nội đang phơi nhiễm với nồng độ bụi PM2,5 cao gấp đôi quy chuẩn quốc gia và cao hơn nhiều so với tiêu chuẩn quốc tế do WHO quy định. Dữ liệu ghi lại từ bản đồ vệ tinh còn cho thấy ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng trong những tháng mùa đông (từ tháng 10 đến tháng 2), do ảnh hưởng của khí hậu, hướng gió và việc đốt rơm rạ.

Tuy nhiên, chỉ khoảng 1/3 bụi PM2,5 có trong không khí xung quanh đến từ các nguồn tại chỗ ở Hà Nội, trong khi 2/3 còn lại đến từ các vùng rộng lớn bên ngoài như các tỉnh lân cận, Đồng bằng sông Hồng và ô nhiễm vận chuyển xuyên biên giới (từ Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia...).

Đó là kết quả mà nhóm nghiên cứu của Việt Nam và Ngân hàng Thế giới báo cáo trong hội thảo "Quản lý chất lượng không khí cho thành phố Hà Nội - Từ cam kết đến hành động" do UBND Thành phố Hà Nội và Ngân hàng Thế giới phối hợp tổ chức ngày 23/2 mới đây.

Bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới, nhấn mạnh rằng những bằng chứng này cho thấy muốn giải quyết vấn đề chất lượng không khí sẽ đòi hỏi “một cách tiếp cận phối hợp giữa các tỉnh lân cận khác nhau dưới sự lãnh đạo của thành phố Hà Nội”.

Điều này có nghĩa là Hà Nội sẽ phải vượt ra ngoài cách tiếp cận hiện nay – tức chỉ tập trung vào các biện pháp trên địa phận của mình – để đưa ra những chiến lược hành động và kế hoạch đầu tư thích hợp giúp giảm ô nhiễm không khí ở cả những tỉnh, thành khác.

Vì chi phí giảm ô nhiễm ở mỗi nơi là khác nhau – chẳng hạn có địa phương sẽ phải đóng cửa các nhà máy hoặc thay thế công nghệ nồi hơi ít phát thải hơn, nhưng cũng có địa phương phải giảm đốt rơm rạ và thay thế sử dụng phân bón ure bằng phân amoni nitrate ít gây ô nhiễm hơn – nên các tỉnh thành phải xây dựng được một cơ chế phối hợp hành động và ưu tiên các biện pháp có hiệu quả về chi phí nhất để tranh chi phí cao cho chính quyền và khối tư nhân.

Bà Lưu Thị Thanh Chi - Phó chi cục trưởng Chi cục BVMT Hà Nội, diễn giả báo cáo về các giải pháp quản lý chất lượng không khí mà Hà Nội đã thực hiện trong hơn 4 năm qua, cho biết trong bản kế hoạch hành động vì không khí sạch cho thành phố (dự kiến sẽ trình UBND vào cuối năm 2023), nhóm soạn thảo sẽ “đề nghị cho phép sửa Luật Thủ Đô để có thể thành lập một ủy ban môi trường liên vùng gồm các thành viên là lãnh đạo các tỉnh để cùng nhau xử lý các vấn đề môi trường chung.”

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: BTC
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: BTC

Các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới đã chia sẻ bài học kinh nghiệm của Trung Quốc trong việc đối phó với ô nhiễm không khí. Trung Quốc đã thiết lập vùng chủ chốt trong kiểm soát chất lượng không khí (vùng thủ đô Kinh – Tân – Ký), gồm hai đô thị lớn là Bắc Kinh và Thiên Tân và 26 đô thị ở tỉnh Hà Bắc, Sơn Tây, Hà Nam và Sơn Đông.

Nhờ các chính sách liên vùng, từ năm 2015 đến 2021, nồng độ PM2,5 trung bình tại vùng này đã giảm từ 77 xuống 43 μg/m3, cải thiện 44%. Số ngày không đạt tiêu chuẩn không khí quốc gia giảm từ 47% xuống 32% và số ngày ô nhiễm nghiêm trọng giảm từ 10% xuống 3%.

Những điều này đạt được do các biện pháp kiểm soát mạnh mẽ với chi phí đầu tư cao để giảm nguồn ô nhiễm từ các ngành công nghiệp, dân cư & thương mại, giao thông, nông nghiệp, giám sát và thực thi – nhưng cũng có sự đóng góp của các giải pháp hợp tác khu vực của vùng Kinh – Tân – Ký thông qua hình thức đền bù sinh thái (Bắc Kinh và Thiên Tân hỗ trợ tiền cho 4 thành phố của tỉnh Hà Bắc 0,86 tỷ nhân dân tệ để thực hiện các biện pháp kiểm soát vào năm 2015), và triển khai kế hoạch hành động có điều phối vùng chống lại ô nhiễm không khí trong mùa thu đông đã được ban hành trong suốt 6 năm qua.

Nhiều chương trình giảm ô nhiễm của vùng Thủ đô đã nhận được sự hỗ trợ và tài trợ của Ngân hàng Thế giới. Bà Carolyn Turk nói rằng Ngân hàng Thế giới sẵn lòng hỗ trợ Hà Nội các gói chuyên gia, nghiên cứu và tài chính tương tự để giúp đỡ thành phố Hà Nội giải quyết các vấn đề môi trường nhằm xây dựng một Hà Nội Xanh, Sạch, Đẹp.

Trong thời gian qua, Hà Nội đã triển khai quyết liệt một số giải pháp nhằm hạn chế một số nguồn phát sinh chất gây ô nhiễm không khí nhỏ, bao gồm: xóa được hơn 99% số lượng bếp than tổ ong, tương đương với giảm 1,658 tấn bụi mịnPM2,5một năm; giảm gần 80% lượng đốt rơm rạ ở ngoại thành so với năm 2017; và xóa bỏ hàng trăm lò gạch thủ công.

Thành phố đã triển khai chương trình thí điểm đo kiểm khí thải cho 5,240 xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn nhằm tạo tiền đề cho việc ban hành một chính sách rộng hơn về kiểm soát khí thải xe máy. Hoạt động thí điểm này đã nhận được phản hồi tích cực và đồng thuận của người dân, doanh nghiệp tham gia.

Năm 2021, Sở TN&MT đã bắt tay với Sở GD&ĐT thí điểm chương trình Trường học xanh tại 116 trường học ở bốn quận, huyện Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đông Anh, Thạch Thất. Sau đó, Sở GD&ĐT đã quyết định mở rộng chương trình đến tất cả các trường học tại 30 quận, huyện trên địa bàn thành phố trong giai đoạn 2022-2025.

Sở TN&MT cho biết đang triển khai nhiệm vụ "Xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cho thành phố Hà Nội" theo hướng dẫn của Bộ TN&MT. Trên cơ sở đó, Sở đã kiểm kê, lượng hóa được các nguồn ô nhiễm không khí và đưa ra các giải pháp phù hợp về chính sách, công nghệ và điều kiện, năng lực của địa phương.

Kế hoạch này có khả năng được đưa vào thực tiễn từ sau năm 2023./.