Theo đó, trên toàn cầu, tỷ trọng điện gió và điện mặt trời đã chiếm 10%, tăng gấp đôi kể từ khi Thỏa thuận Paris được ký vào năm 2015. Các nguồn điện tái tạo khác không tăng trưởng, điện hạt nhân và thủy điện không thay đổi trong hai năm trở lại đây. Tất cả các nguồn điện sạch đang tạo ra 38% điện trên thế giới vào năm 2021, nhiều hơn điện than (36%).
Đến năm 2021, có 50 nước sản xuất được ít nhất 10% sản lượng điện của mình từ điện gió và điện mặt trời, trong đó có cả các nền kinh tế lớn nhất thế giới. Riêng trong năm 2021 có 7 nước lần đầu đạt được mốc này, gồm: Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Mông Cổ, Argentina, Hungary và El Salvador.
Ảnh minh họa. Nguồn: dangcongsan.vn.
Trong đó Việt Nam là một trong những nước chuyển dịch nhanh nhất khi năm 2020, tỷ trọng điện gió và điện mặt trời mới là 3%. Riêng về điện mặt trời, Việt Nam tăng trưởng cực nhanh, sản lượng tăng 337% (hay 17 TWh) chỉ trong một năm và trở thành một trong 10 quốc gia có sản lượng điện mặt trời lớn nhất thế giới trong năm 2021. Nhờ những bước tăng trưởng này, Việt Nam là nước duy nhất ở châu Á có điện gió và điện mặt trời đáp ứng được mức tăng nhu cầu điện trong nước.
Tuy nhiên trên toàn cầu, điện than tăng kỷ lục. Cụ thể, nhu cầu điện toàn cầu đã tăng trở lại sau đại dịch - năm 2021 chứng kiến mức tăng nhu cầu điện lớn nhất từ trước đến nay - 5,4% hay 1,414 TWh. Trong đó điện gió và điện mặt trời, dù tăng, cũng mới đáp ứng được 29% nhu cầu. Phần nhu cầu tăng lên còn lại được đáp ứng bằng nhiên liệu hóa thạch. Năm 2021 là năm điện than phát triển nhanh nhất kể từ năm 1985, tăng 9% lên mức 10.042 TWh.
Mức tăng này kéo theo khí thải tăng 7% so với 2020, đẩy lượng khí thải từ ngành điện lên cao hơn cả trước khi xảy ra đại dịch. (Năm 2020 khí thải chỉ giảm 3% so với năm 2019 do đại dịch.)
Kỷ lục mới về điện than được xác lập trên toàn châu Á vào năm 2021, khu vực có nhu cầu điện tăng rất cao. Trong đó điện than của Trung Quốc tăng 9%, Ấn Độ - 11%, Indonesia - 6%, Philippines - 8%. Tỷ trọng điện than của Trung Quốc trong điện than toàn cầu tăng từ 50% vào năm 2019 lên 54% vào năm 2021. Điện than ở Mỹ, EU và Nhật Bản cũng tăng mạnh trở lại so với năm 2020, nhưng vẫn ở dưới mức năm 2019.
Theo Lộ trình Phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), để có thể có cơ hội đạt mục tiêu giữ nhiệt độ ấm lên trong phạm vi 1,5 độ C, tỷ trọng điện gió và điện mặt trời cần tăng từ 10% điện năng toàn cầu hiện nay lên 40% vào năm 2030, trong khi điện than cần giảm từ mức 36% xuống còn 8%.
Nguồn: Ember, Media Climate Net