Trích phát biểu của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị “Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Một Trụ cột cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam” ngày 15/5/2019.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Ngũ Hiệp

Như chúng ta đã biết, các mô hình tăng trưởng tân cổ điển nhấn mạnh vai trò của tích lũy vốn và lao động đối với tăng trưởng. Trong các thời kỳ trước đây, con người chủ yếu khai thác các tài nguyên tự nhiên để tạo ra tăng trưởng và phục vụ cho con người. Tuy nhiên, tài nguyên tự nhiên luôn có giới hạn và nhân loại đang đứng trước sự khan hiếm tài nguyên nghiêm trọng. Nếu chúng ta vẫn trông chờ vào thứ tài nguyên hữu hạn đó thì tăng trưởng sẽ sớm cạn kiệt, tăng trưởng sẽ đạt trạng thái dừng. Mô hình tăng trưởng nội sinh (được trao giải Nobel Kinh tế năm 2018) chứng minh rằng, công nghệ là yếu tố nội sinh quan trọng của tăng trưởng. Chính công nghệ mới cùng với nguồn nhân lực phù hợp (có khả năng sử dụng, kiểm soát và sáng tạo công nghệ mới) là yếu tố quyết định cho tăng trưởng trong dài hạn, là chìa khóa để chúng ta đột phá vượt qua trạng thái dừng, thoát bẫy thu nhập trung bình. Thực tiễn đã cho thấy nhiều nước giàu tài nguyên, nhưng không thể tăng trưởng nhanh và bền vững, ngược lại có nước có rất ít tài nguyên nhưng vẫn đạt được tăng trưởng kinh tế cao. Vậy bí quyết là gì? Yếu tố quan trọng tạo nên sự khác biệt đó chính là con người và công nghệ.

Nhân loại ngày càng khan hiếm tài nguyên tự nhiên để khai thác và VN cũng vậy, nhưng chúng ta lại có thứ tài nguyên vô tận, đó chính là chất xám, là sự sáng tạo của con người, của chính tiềm năng trong mỗi chúng ta. Nếu như tài nguyên tự nhiên càng khai thác càng cạn kiệt thì tài nguyên sáng tạo của con người càng khai thác sẽ càng sinh sôi nảy nở. Trong doanh nghiệp hay bất kỳ tổ chức nào, không phải máy móc thiết bị, không phải nguyên vật liệu, chính sự sáng tạo của con người mới là vốn quý giá nhất.

Sáng tạo phải từ con người và vì con người. Con người phải là trung tâm của sáng tạo. Người Việt Nam chúng ta có đầy đủ tố chất bẩm sinh cho sự sáng tạo, tôi tin nếu có đủ những dưỡng chất tốt sẽ tạo ra những con người xuất sắc cho đất nước và tâm huyết đóng góp vì sự phồn thịnh của đất nước. Chỉ số Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu (GII) của Việt Nam những năm gần đây liên tục tăng cao, dẫn đầu nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp (năm 2017 tăng 12 bậc, năm 2018 tăng tiếp 2 bậc, xếp thứ 45/126 quốc gia, trong đó, nhóm chỉ số về tri thức – công nghệ của Việt Nam có thứ hạng rất cao, thứ 28). Các lĩnh vực khoa học tự nhiên Việt Nam có thế mạnh như Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học luôn đạt vị trí tốp đầu ASEAN. Theo Báo cáo Chỉ số Hiệu quả Đổi mới sáng tạo, Việt Nam đã thành công trong việc tiếp cận với kiến thức khoa học công nghệ của thế giới và hòa nhập vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo điều kiện cho việc trao đổi tri thức hiệu quả. Một số tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam đã rất quan tâm đầu tư cho KHCN, đổi mới, sáng tạo; và đã đạt được kết quả tương xứng.

Tuy nhiên, phải nhìn thẳng vào thực tiễn và nhìn những khuyết điểm tồn tại để thấy rằng phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam còn nhiều hạn chế, bất cập mà chúng ta phải chủ động khắc phục. Trước hết là, nhận thức của các cấp, các ngành và các địa phương về vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo còn chưa đầy đủ, toàn diện; hành lang pháp lý và cơ chế chính sách còn thiếu thiếu đồng bộ, chưa tạo động lực cho phát triển KH&CN.

Năng lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của chúng ta còn hạn chế và hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia còn non trẻ, manh mún. Vẫn còn ít hoạt động đổi mới sáng tạo và năng lực Nghiên cứu và Phát triển (R&D) trong khu vực kinh doanh => số lượng doanh nghiệp theo đuổi các chiến lược về đổi mới sáng tạo còn khiêm tốn. Các trường đại học thiên về đào tạo hơn nghiên cứu; nếu có nghiên cứu thì tính ứng dụng không cao; rất thiếu sự kết nối giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và khu vực kinh doanh. Chúng ta cũng chưa thực sự có những chính sách tốt, cơ chế tốt, hoặc những bài toán hay, đúng tầm để kích thích sáng tạo và sự cống hiến của đông đảo các nhà khoa học và chuyên gia.

Theo báo cáo của Viện kinh tế Việt Nam, đầu tư cho khoa học công nghệ có xu hướng giảm, tỷ lệ chi cho nghiên cứu phát triển trên GDP của Việt Nam ở mức rất thấp. Cả khu vực Nhà nước và tư nhân, chi cho KHCN của Việt Nam hiện nay chỉ khoảng 0,44% GDP, khá thấp so với bình quân của thế giới là 2,23% GDP (Thái Lan 0,78%; Singapore 2,2%; Malaysia 1,3%, Trung Quốc 2,1%). Nếu không mạnh dạn đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chúng ta sẽ bị mắc kẹt trong chính cái hố năng suất thấp, giá trị gia tăng thấp, và bẫy thu nhập trung bình của chính chúng ta. Do vậy, cả Nhà nước và và khu vực tư nhân cần nhận thức đúng tầm quan trọng của đầu tư cho KHCN và ưu tiên chi cho KHCN một cách tương xứng hơn, hiệu quả hơn là con đường “ngắn nhất” để đạt được hiệu quả, tăng năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững hơn. Chú trọng tính thiết thực, hiệu quả, không làm theo phong trào, gây lãng phí.

Thời gian tới, Việt Nam cần phải có một bước chuyển đổi về mặt chiến lược để thúc đẩy nghiên cứu và phát triển khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng kết hợp với phát triển công nghệ trong một số ngành, lĩnh vực mới có thế mạnh. Phải làm tốt hơn nữa sự phối hợp giữa nhà nước và xã hội, giữa nội lực và ngoại lực trong phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Các ngành, các địa phương cần nhân cao nhận thức, trách nhiệm trong chỉ đạo phát triển khoa học công nghệ, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế chính sách. Tập trung hoàn thiện hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia với doanh nghiệp là trung tâm, gắn kết chặt chẽ giữa viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp nhằm kiến tạo và tích lũy tài sản trí tuệ, tạo ra nguồn nhiên liệu mới cho tăng trưởng kinh tế nhanh, bao trùm và bền vững.

Bộ KH&CN là đầu mối phối hợp các bộ, ngành, tổ chức liên quan tham mưu cho Chính phủ 5 vấn đề lớn sau đây:

Một là, đề xuất chính sách khuyến khích và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khu vực doanh nghiệp. Coi doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo. Phát triển mạnh hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp.

Hai là, phát huy vai trò của các trường đại học, viện nghiên cứu trong việc tăng cường nền tảng vốn con người cho đổi mới sáng tạo. Cần nhất là gắn liền các hoạt động nghiên cứu ứng dụng với nhu cầu doanh nghiệp, nhu cầu của nền kinh tế.

Ba là, thúc đẩy liên kết các mạng lưới đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước Ở nước ngoài các trung tâm kết nối trí tuệ đóng vai trò lõi ở các thành phố thông minh và bền vững. Vậy ở Việt Nam phải làm như thế nào? Các Trung tâm ĐMST của Bộ KH&CN, KH&ĐT, Bộ TTTT suy nghĩ về việc này như thế nào?

Bốn là, xây dựng năng lực quản trị nhà nước đối với hệ thống đổi mới sáng tạo và hoàn thiện thể chế cho các hoạt động đổi mới sáng tạo.

Năm là, tập trung phát triển sản phẩm quốc gia dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao để hình thành các ngành nghề mới và các sản phẩm mới, giá trị gia tăng cao, nhất là lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh như: nông nghiệp, công nghiệp chế biến chế tạo, công nghệ thông tin,...

Theo đó, chúng ta cần xây dựng khuôn khổ cho việc đo lường và đánh giá hiệu quả của nền kinh tế số, của hoạt động của các trường đại học, viện nghiên cứu, các cơ sở có hoạt động khoa học công nghệ. Đề nghị ngành thống kê nghiên cứu phương thức đo lường và thống kê hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ và các hoạt động đổi mới sáng tạo theo các chuẩn mực quốc tế để có thể so sánh. Gắn các chương trình tài trợ nghiên cứu của Nhà nước với việc ứng dụng thực tế và thương mại hóa sản phẩm. Để tránh nghiên cứu rồi cất vào tủ, dành một phần ngân sách để thưởng cho các dự án được đưa ra ứng dụng trong thực tế.

Cần nghiên cứu thành lập ngân hàng dữ liệu quốc gia về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Xây dựng chính sách nhằm thu hút và cộng tác với các chuyên gia giỏi ở trong và ngoài nước, đặc biệt là cộng đồng các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài. Chú ý đặc biệt đề xuất những giải pháp không theo khuôn mẫu. Chúng ta muốn thúc đẩy đổi mới sáng tạo thì bản thân chính sách, cơ chế cũng phải thoáng, mở, và sáng tạo và kịp thời.

Áp dụng mô hình đối tác công - tư (PPP) nhằm khuyến khích doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào các hoạt động đổi mới sáng tạo. Thử nghiệm mô hình “Nhà nước sở hữu, tư nhân vận hành”. Chuyển từ mô hình sử dụng ngân sách nhà nước sang đồng tài trợ, tiến đến tự chủ tài chính, nhà nước đặt hàng đối với các cơ sở nghiên cứu, các cơ sở KH-CN và đổi mới, sáng tạo. nhất là việc thu hút nhân tài, đào tạo nhân lực, bởi thu hút nhân tài, nhân lực của Việt Nam còn rất kém.

Ngay sau hội nghị này, tôi yêu cầu Bộ Khoa học công nghệ sớm hoàn thiện Chỉ thị thúc đẩy, hấp thụ phát triển khoa học công nghệ và hoạt động đổi mới sáng tạo, bao gồm quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp. Khẩn trương trình Chính phủ Đề án hoàn thiện thể chế thu thút nguồn lực xã hội đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhất là từ doanh nghiệp; Trình thủ tướng phê duyệt Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia; Trình Thủ tướng phê duyệt Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia.

Bộ Khoa học công nghệ cần phát huy vai trò điều phối, nâng cao hiệu quả công tác giữa các bộ, ngành và giữa các cấp trong phát triển và ứng dụng kết quả khoa học và công nghệ vào phát triển kinh tế - xã hội. Thúc đẩy hợp tác quốc tế về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; nhằm khai thác lợi thế, chia sẻ kinh nghiệm và tận dụng các thành tựu KHCN tiên tiến, cũng như chủ động nắm rõ các xu thế KH-CN trên thế giới để có phương án vận dụng hiệu quả vào Việt Nam.