Ngoài việc tập trung vào duy trì thị trường truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH đang xúc tiến phát triển một số thị trường lao động mới tại châu Âu như Bulgaria, Hungary, Đức... Những thị trường này đang mở ra nhiều cơ hội đi làm việc ở nước ngoài cho người lao động Việt Nam.
|
Một số quốc gia tại châu Âu đang xem xét hợp tác tiếp nhận lao động Việt Nam, mở ra nhiều cơ hội mới cho người lao động
|
Năm 2019 là năm thứ 6 liên tiếp số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vượt mức 100.000 lao động/năm và là năm thứ 4 liên tiếp vượt mức 120.000 lao động/năm (năm 2014 là 106.840 lao động, năm 2015 là 115.980 lao động, năm 2016 là 126.289 lao động, năm 2017 là 134.751 lao động và năm 2018 là 142.860 lao động). Bộ LĐ-TB&XH đặt mục tiêu trong năm 2020 sẽ đưa được 130.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, tập trung vào các thị trường có thu nhập cao.
Ngoài việc tập trung vào duy trì thị trường truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... Cục Quản lý lao động ngoài nước đang xúc tiến phát triển một số thị trường lao động mới tại châu Âu như Bulgaria, Hungary, Đức... Những thị trường này đang mở cơ hội đi làm việc ở nước ngoài tại các thị trường có thu nhập cao cho người lao động.
Theo đánh giá của Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Tống Hải Nam, xu thế đô thị hóa cao, già hóa dân số xảy ra đã khiến nhiều nước ở châu Âu rơi vào tình trạng thiếu hụt lao động. Vì thế, một số quốc gia tại châu Âu đang xem xét hợp tác tiếp nhận lao động Việt Nam.
“Chúng tôi đang đẩy nhanh tiến độ và dự kiến trong năm 2020, Bộ LĐ-TB&XH sẽ ký với cơ quan lao động của Đức thỏa thuận hợp tác tiếp nhận lao động có kỹ năng của Việt Nam sang làm việc tại nước này trong 12-13 ngành nghề mà phía bạn đang có nhu cầu. Nếu chúng ta tiếp cận được thị trường Đức thì đây sẽ chính là “cửa ngõ” đưa lao động vào châu Âu”, ông Tống Hải Nam cho biết.
Bên cạnh Đức, trong năm 2019, Romania cũng nổi lên là một thị trường tại châu Âu tiếp nhận số lượng lao động Việt Nam tăng. Nếu như các năm trước mỗi năm tiếp nhận khoảng 300-400 lao độngthì chỉ riêng trong năm 2019 Romania đã tiếp nhận hơn 3.400 lao động.
Bên cạnh đó, một loạt thị trường Đông Âu cũng đã có hợp tác với Việt Nam như Cộng hòa Czech, Slovakia, Hungary, Ba Lan cũng có nhu cầu tiếp nhận lao động Việt Nam.
Người lao động đi làm việc tại các nước châu Âu có thể thông qua các hình thức sau: Thông qua các doanh nghiệp đã được Cục Quản lý lao động ngoài nước thẩm định và chấp thuận cho phép thực hiện hợp đồng cung ứng lao động. Đối với thị trường châu Âu, hiện nay Cục thẩm định và chấp thuận hợp đồng cung ứng lao động của một số thị trường và điều kiện hợp đồng như sau: Ba Lan có nghề hàn, cơ khí, chế biến thực phẩm, chi phí đi 3.000 USD; Lithuania có nghề hàn, may mặc, chi phí đi 1.000-1.500 USD; Hungary có nghề nông nghiệp, công nghiệp, chi phí đi 1.650 USD; Bulgaria có nghề cơ khí, chế biến gỗ, may công nghiệp, chi phí đi 1.000 USD; Cộng hòa Cyprus có nghề nông nghiệp, chi phí đi 1.700 USD; Thổ Nhĩ Kỳ có nghề may, chi phí đi 1.300 USD; Slovakia có nghề điện tử, chi phí đi 4.000 USD; Belarus có nghề xây dựng, hàn, mộc chi phí đi 3.500 USD; Bồ Đào Nha có nghề nông nghiệp, chi phí đi 2.000 USD. Các thị trường này có mức lương dao động từ 360-580 EUR/ tháng.
Theo ông Tống Hải Nam, để đặt chân vào thị trường châu Âu sẽ có nhiều khó khăn với rất nhiều điều kiện và các thủ tục, quy trình mà người lao động và doanh nghiệp phải tuân thủ. Đây là một trong những thách thức đối với công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2020.
Về công tác quản lý các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, ông Tống Hải Nam cho biết, hiện nay, nhiều doanh nghiệp phái cử Việt Nam đã và đang từng bước chủ động tìm kiếm, khai thác hợp đồng và phát triển thị trường lao động ngoài nước; đầu tư bài bản cho công tác tạo nguồn lao động như đào tạo nâng cao tay nghề, ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cần thiết trước khi đi làm việc ở nước ngoài.
Trong năm 2019, Cục Quản lý Lao động ngoài nước đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp mới giấy phép của 112 doanh nghiệp và đã hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cấp mới cho 63 doanh nghiệp. Hiện tổng số doanh nghiệp phái cử Việt Nam có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài là 421 doanh nghiệp.
Bên cạnh việc từng số lượng doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, Bộ LĐ-TB&XH cũng tăng cường giám sát chất lượng hoạt động của các doanh nghiệp. Cục Quản lý lao động ngoài nước đã trực tiếp tiến hành 25 cuộc thanh, kiểm tra định kỳ và đột xuất; phối hợp với Thanh tra Bộ triển khai 30 cuộc tại các doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Qua thanh tra, kiểm tra, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã ban hành hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt đối với 21 doanh nghiệp và thu hồi giấy phép của 2 doanh nghiệp. Tổng số tiền xử phạt khoảng 1,5 tỷ đồng.
Cục Quản lý lao động người nước xác định doanh nghiệp nào đáp ứng đủ điều kiện thì cấp phép nhưng doanh nghiệp nào vi phạm sẽ xử nghiêm để đảm bảo chất lượng của hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.