Đây là công nghệ do Công ty Atlas Copco (Bỉ) nghiên cứu và phát triển. Máy sử dụng biến tần, giúp giảm ô nhiễm môi trường và giảm 30% mức tiêu thụ năng lượng so với một số công nghệ khác.
Tại hội thảo “Công nghệ thổi khí trục vít trong xử lý nước thải” do Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TPHCM phối hợp với Công ty TNHH Atlas Copco Việt Nam tổ chức vừa qua, ông Nguyễn Trường Duy, Giám đốc phát triển thị trường Công ty TNHH Atlas Copco Vietnam, cho biết, các nhà máy xử lý nước thải đều phải dùng máy thổi khí để sục khí, thổi khí, khuấy trộn nhằm cung cấp đủ lượng oxi để tránh phân hủy kỵ khí trong quá trình xử lý nước thải. 70% năng lượng tiêu thụ trong các nhà máy xử lý nước thải được dùng cho việc nạp khí.
Công nghệ thổi khí trục vít sử dụng cụm nén trục vít không dầu hiện đại, được chế tạo dựa trên biên dạng rotor không đối xứng với kiểu dáng hình học tiết kiệm năng lượng tạo lực nén bên trong để giảm thể tích trong quá trình nén. Động cơ mạ Teflon cho hiệu quả năng lượng cao hơn 30% so với máy thổi lobe truyền thống.
Thiết bị có bộ điều khiển được thiết kế đặc biệt để tăng tối đa hiệu suất máy thổi trong nhiều điều kiện vận hành khác nhau, đảm bảo giám sát chính xác và liên tục tất cả các thông số. Bên cạnh đó, thiết bị còn được tích hợp công nghệ Smartlink (liên kết thông minh), cho phép giám sát trực tuyến thiết bị, theo dõi cảnh báo, thông báo lịch bảo dưỡng…
Ông Duy cho biết thêm, máy nhỏ gọn, độ ồn chỉ từ 72 – 75 Decibel (máy lobe thường có độ ồn 90 Decibel, ảnh hưởng đến sức khỏe người vận hành). Ngoài ra, máy có thể lắp đặt được ngoài trời, chịu được các tác động của thời tiết mà vẫn hoạt động bình thường.
Hiện thiết bị được lắp đặt tại một số nhà máy ở Việt Nam như Coca Cola, ABB, Intel, P&G, Vinamikl, Hòa Phát, Lavie,…
Kiều Anh