Ông Nguyễn Khắc Thanh - Phó Giám đốc Sở KH&CN TPHCM - cho biết Sở đang chuẩn bị trình UBND Thành phố chính sách hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất các trường đại học, các khu công nghiệp, vườn ươm... với mức hỗ trợ tối đa 5 tỷ đồng cho một vườn ươm hoặc trung tâm ươm tạo.
Thông tin kể trên được Phó Giám đốc Sở KH&CN TPHCM chia sẻ tại buổi tọa đàm “Các chính sách phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
(ĐMST) tại Việt Nam” do Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TPHCM tổ
chức ngày 23/10.
Ông Thanh cho biết, Sở KH&CN TPHCM đã
có nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp. Đó
là chương trình SpeedUp 2017 đã hỗ trợ cho 14 dự án khởi nghiệp với số
tiền trên 11 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có một số hỗ trợ khác như hạ tầng cơ
sở vật chất cho hệ sinh thái ĐMST; đào tạo, tư vấn, nâng cao năng lực;
nghiên cứu, phát triển, thương mại hóa sản phẩm KH&CN, đổi mới công
nghệ,…
Trong
thời gian qua, Sở KH&CN TPHCM cũng đã thành lập 4 Ban điều hành hệ
sinh thái khởi nghiệp ĐMST cho các lĩnh vực trọng điểm của thành phố;
300 sản phẩm khởi nghiệp được kết nối đến với cộng đồng và các quỹ đầu
tư;…
"Hiện
Sở KH&CN TPHCM đang chuẩn bị trình UBND Thành phố chính sách hỗ trợ
xây dựng cơ sở vật chất các trường đại học, các khu công nghiệp, vườn
ươm,.. nâng cấp hoặc cải tạo các vườn ươm. Dự kiến hỗ trợ tối đa cho một
vườn ươm hoặc trung tâm ươm tạo khoảng 5 tỷ đồng" - ông Thanh cho biết
thêm.
Trong khi đó, ông Trần Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty Sao Bắc Đẩu - cho rằng để có được một hệ sinh thái khởi nghiệp năng động và bền vững, phải tạo ra được mối liên kết chặt chẽ giữa 5 yếu tố mang tính chất cốt lõi là nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn vốn, sự hỗ trợ của nhà nước, chỗ làm việc và cộng đồng các cố vấn.
Trong đó, nguồn nhân lực chất lượng cao là "dòng máu" của
bất kỳ hệ sinh thái khởi nghiệp nào, mà thiếu nó sẽ không có sự tồn tại
của khởi nghiệp. Nguồn vốn phải luôn sẵn sàng ở bất kỳ giai đoạn nào của
doanh nghiệp khởi nghiệp và sự hỗ trợ của nhà nước là một động lực tạo
ra và duy trì những doanh nghiệp có tốc độ phát triển cao.
Theo ông Tuấn, hiện nay các doanh nghiệp khởi nghiệp còn nhiều điểm yếu như chưa biết cách ứng phó và xử lý sự cố hay khủng hoảng trong kinh doanh, xây dựng chiến lược phát triển thị trường,… Vì vậy, để tạo dựng thành công hệ sinh thái khởi nghiệp năng động, cũng như khắc phục nhưng điểm yếu của doanh nghiệp khởi nghiệp, TPHCM cần xây dựng cổng thông tin khởi nghiệp ĐMST của Thành phố. Cổng này nhằm cung cấp thông tin về công nghệ, sáng chế, tiêu chuẩn, chất lượng, sở hữu trí tuệ, chính sách,…
"Ngoài ra, thành phố nên có phương án
rõ ràng về triển khai phương thức thương mại hóa công nghệ cho các lĩnh
vực đang là trọng điểm. Thành phố cần tạo điều kiện ưu
tiên ở mức độ cao nhất sau khi có quá trình kiểm tra, kiểm thử thấy sản
phẩm có thể ứng dụng được. Đồng thời, có chính sách bảo hộ sản phẩm của
doanh nghiệp của thành phố nghiên cứu ra, từ đó tạo đà cho doanh nghiệp
có thể vươn ra toàn cầu" - ông Tuấn đề xuất.
Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nhà nước đã có nhiều chính sách, chương trình thúc đẩy khởi nghiệp ĐMST. Tuy nhiên, phần lớn các startup vẫn chưa biết hết được những thông tin này. Vì vậy, cần phải thúc đẩy mạng lưới kết nối giữa chính quyền và cộng đồng khởi nghiệp để giúp các doanh nghiệp tiếp cận được với những chính sách hỗ trợ của nhà nước một cách đầy đủ và nhanh nhất. Ngoài ra, các doanh nghiệp lớn cần làm vai trò dẫn dắt các doanh nghiệp khởi nghiệp trong đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, hỗ trợ kinh phí…