VinTech City thuộc Công ty VinTech, Tập đoàn Vingroup, đang sẵn sàng hợp tác và hỗ trợ các trường đại học ở 4 nội dung chính: tài trợ dự án nghiên cứu KH&CN; trao đổi, học hỏi kinh nghiệm; hợp tác về giảng dạy và chia sẻ tri thức; cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao.


Bà Trương Lý Hoàng Phi - Tổng giám đốc VinTech City - tại hội thảo sáng 22/5 tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Hà Nội. Ảnh: Vingroup

Thông tin trên được bà Trương Lý Hoàng Phi – Tổng giám đốc VinTech City, đưa ra tại hội thảo Giới thiệu Chương trình Hợp tác đại học - Hỗ trợ nghiên cứu ứng dụng và Khởi nghiệp công nghệ sáng 22/5 tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Hà Nội.

Cụ thể, Vintech City sẽ tài trợ và hỗ trợ nguồn lực để đưa các sản phẩm KH&CN từ giai đoạn nghiên cứu đến giai đoạn ra thị trường; tài trợ lab nghiên cứu; tổ chức, đồng tổ chức, và tài trợ các hội thảo, sự kiện lớn về nghiên cứu ứng dụng và nhân lực công nghệ; chia sẻ nguồn lực chuyên môn giữa các trường và Tập đoàn để tạo ra những môn học, chương trình học và phương thức giảng dạy đáp ứng các tiêu chuẩn nguồn nhân lực công nghệ của Tập đoàn nói riêng và các doanh nghiệp công nghệ nói chung; tài trợ và hỗ trợ hoạt động CLB công nghệ và khởi nghiệp trong sinh viên.

VinTech City đã khảo sát và làm việc trực tiếp với 54 trường đại học công nghệ hàng đầu Việt Nam về đề xuất bốn nội dung hợp tác nêu trên và nhận được sự đồng tình cao từ các trường: 91% các trường có nhu cầu về hoạt động tài trợ dự án nghiên cứu KH&CN; 89% có nhu cầu được tài trợ hội thảo, sự kiện về công nghệ; và 89% có nhu cầu hợp tác về giảng dạy và chia sẻ tri thức, bà Phi cho biết.

Góp ý về hoạt động tài trợ dự án nghiên cứu KH&CN, trong đó đối tượng nhận tài trợ bao gồm các startup công nghệ, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN - Bộ KH&CN, cho rằng, tiêu chí xét tài trợ không cần dễ nhưng cần hỗ trợ đúng thời điểm. Trên thực tế, có những quỹ khi mang hỗ trợ đến thì startup không còn cần nữa, ông Quất nói.

Ông Quất cũng đánh giá, hoạt động hợp tác và hỗ trợ các trường đại học của VinTech City thể hiện trách nhiệm xã hội rất cao của doanh nghiệp.

Bà Phi thì cho rằng đây là mối quan hệ hai bên cùng có lợi. Trong quá trình phát triển các ngành nghề mới, Vingroup rất cần nguồn nhân lực từ bên ngoài; ngoài ra, nếu chỉ bó hẹp trong Tập đoàn, các ý tưởng phát triển sẽ bị hạn chế, “trong khi ý tưởng bên ngoài thì bao la”.

Theo bà Phi, hiện phổ biến 3 mô hình hợp tác giữa doanh nghiệp và trường đại học, đó là xuất phát từ nhu cầu về nguồn nhân lực đầu ra; hợp tác về nghiên cứu; và xuất phát từ trách nhiệm xã hội.

Cái còn thiếu trong mối quan hệ này chính là hợp tác của doanh nghiệp với đội ngũ giảng viên và các nhà nghiên cứu của trường đại học; hợp tác về khởi nghiệp; và thiếu hệ sinh thái để hai bên có thể hợp tác đưa sản phẩm KH&CN ra thị trường nhanh hơn, bà Phi nói.

Một hoạt động xây dựng cộng đồng ý nghĩa

Trong số 4 nội dung hợp tác và hỗ trợ trường đại học do VinTech City thiết kế như nêu ở trên, hoạt động tài trợ dự án nghiên cứu KH&CN đã được hiện thực hóa qua việc Quỹ tài trợ nghiên cứu ứng dụng VinTech (VinTech Fund) do Vintech City vận hành bắt đầu đợt xét hồ sơ đầu tiên từ ngày 15/5 vừa qua. Theo đó, sẽ có 15 đề tài của các nhóm chuyên gia, nhà nghiên cứu, giảng viên người Việt ở trong nước và nước ngoài cũng như các startup công nghệ được chọn để hỗ trợ trong năm nay với số tiền lên đến 10 tỷ đồng/đề tài.

TS Nguyễn Trần Thuật, Trung tâm Nano và Năng lượng (NEC), Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết, nhóm nghiên cứu của ông mới đây đã nộp hồ sơ xin xét tài trợ của VinTech Fund với 2 lý do: Thứ nhất, quy mô tài trợ phù hợp với nhu cầu phát triển sản phẩm của nhóm; và thứ hai, định hướng của VinTech Fund là hỗ trợ phát triển sản phẩm để hướng tới bán ra thị trường, cũng trùng với mong muốn của nhóm.

Tuy nhiên, TS Thuật “hơi lo lắng” là nhóm của ông mới đang trong quá trình tìm nguồn để làm proof of concept, “chứ chưa đạt tới proof of concept, mà VinTech Fund thì yêu cầu phải có proof of concept rồi”.

TS Thuật nhận thấy, điều đặc biệt về VinTech Fund là “đầu tư với mức đó và ở giai đoạn đó [hướng ra thị trường] thường là các angel investor rồi chứ không phải là quỹ nghiên cứu và phát triển nữa”. “Có thể, họ muốn khai thác các tiềm năng từ các trường đại học mà từ trước tới giờ chưa tổ chức nào làm được,” ông nói. “Xét về mặt xây dựng cộng đồng, đây là một hoạt động rất ý nghĩa.”

VinTech City thuộc Công ty VinTech, Tập đoàn Vingroup, được thành lập với sứ mạng tạo ra hệ sinh thái toàn diện tương tự như Thung lũng Silicon để phục vụ các công ty khởi nghiệp về công nghệ.