Để đạt mục tiêu trở thành một thành phố thông minh trong tương lai, Hà Nội cần xây dựng và quản lý tốt dữ liệu lớn và dữ liệu nguồn mở, đó là ý kiến của các nhà nghiên cứu và chuyên gia công nghệ Việt Nam ở nước ngoài nêu trong cuộc gặp mặt lãnh đạo Thủ đô sáng ngày 20/8. Buổi gặp mặt diễn ra trong khuôn khổ Vietnam Innovation network 2018.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung trao đổi với các nhà khoa học. Ảnh: Ngũ Hiệp.
Xây dựng dữ liệu trong nhiều lĩnh vực
Tại buổi gặp mặt, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chia sẻ với các nhà khoa học trẻ những thông tin quan trọng về chiến lược phát triển Hà Nội, qua đó mong muốn đưa nơi này trở thành một trong những thành phố đổi mới sáng tạo hàng đầu Việt Nam với việc cung cấp những dịch vụ công thông minh tiện ích trong nhiều lĩnh vực y tế, du lịch, giao thông, nông nghiệp… Để đạt được những mục tiêu này, thành phố Hà Nội đã xác định phải thực hiện được ba khâu mang tính đột phá là xây dựng cơ sở hạ tầng, cải cách hành chính và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Đây là những vấn đề cơ bản mà mọi thành phố đều phải giải quyết trên con đường hiện đại hóa. Hà Nội đã đề ra những bước đi và những giai đoạn cụ thể, phù hợp với điều kiện của mình. Ví dụ số hóa dữ liệu dân cư là một vấn đề phức tạp và liên quan đến nhiều thành phần dân cư nên Hà Nội đã chia nhỏ thành nhiều gói dữ liệu nhỏ như hồ sơ sổ học bạ điện tử của học sinh (18 triệu hồ sơ); hồ sơ khám sức khỏe của người dân tại các bệnh viện do thành phố quản lý (4 triệu hồ sơ)…
Trên cơ sở kinh nghiệm này, Hà Nội đã tiến hành số hóa dữ liệu địa chính nhằm tiến tới lập bản đồ số 3D thành phố. Hiện Nội đã có đủ dữ liệu của khoảng 3,7 triệu mảnh đất thuộc quyền quản lý của các cơ quan, trường học hay nhà ở, dữ liệu đất đai canh tác, “dồn điền, đổi thửa”... Đây sẽ là cơ sở để Hà Nội tiến tới áp dụng công nghệ số hóa của Singapore chuyển giao nhằm quét ra đa toàn bộ kiến trúc các mảnh đất này và quét toàn bộ không gian ngầm sâu khoảng 25m dưới lòng đất… Qua đó, không chỉ cán bộ quản lý mà cả người dân cũng có thể nắm được thông tin một cách đầy đủ về đất đai.
Ngoài ra, Hà Nội còn đặt mục tiêu xây dựng được hệ thống dữ liệu giao thông để nâng cấp hệ thống giao thông công cộng, những yếu tố quan trọng để cải thiện giao thông đô thị, giảm thiểu tình trạng tắc nghẽn thường thấy ở các thành phố lớn.
Ở một số lĩnh vực liên quan đến đời sống của người dân Thủ đô khác như y tế, môi trường, nước sạch…, Hà Nội cũng bắt đầu áp dụng những công nghệ hiện đại, ví dụ như để cập nhật tình trạng chất lượng không khí và nguồn nước, Hà Nội đã lên kế hoạch xây dựng 120 trạm quan trắc mặt đất, trên cao và hiện đã hoàn tất 20 trạm quan trắc có khả năng phát hiện ô nhiễm khí thải công nghiệp, sinh hoạt… Trong lĩnh vực y tế, một số bệnh viện của Hà Nội đã áp dụng nhiều công nghệ hàng đầu thế giới về chẩn đoán ưng thư, ghép tạng cũng như triển khai nhiều hình thức dịch vụ y tế hiện đại như khám bệnh online, quản lý hồ sơ bệnh án điện tử… Về tương lai, Hà Nội sẽ còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ gene để góp phần phát hiện sớm một số bệnh lý di truyền phổ biến hay có phác đồ điều trị phù hợp dựa trên sự tổng hợp, phân tích dữ liệu về gene cho từng người bệnh. Bước đầu, Hà Nội đang có trong tay một kho dữ liệu nhỏ gồm 400.000 mẫu.
Về tổng thể, để quản lý các dữ liệu ban đầu này, ông Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội đã xây dựng Trung tâm điều hành công nghệ thông tin chung của thành phố với 8 công năng để phục vụ toàn bộ cho công việc điều hành đi kèm với việc xây dựng Trung tâm tích hợp giữa cấp cứu 115 và 113 của thành phố khi có tội phạm công cộng hay phòng chống chữa và thành lập trung tâm phục vụ bảo mật cho toàn bộ hệ thống xây dựng chính phủ điện tử Hà Nội…
Nguồn mở và tư duy mở
Tại buổi gặp gỡ, các nhà khoa học tỏ ra đặc biệt quan tâm với kế hoạch phát triển của Hà Nội, đặc biệt là những dữ liệu mà thành phố đã chủ động thu thập và xây dựng trong nhiều lĩnh vực. Đây không chỉ là những yếu tố mang tính nền tảng để Hà Nội xây dựng thành công thành phố thông minh mà còn là cơ sở góp phần vào công tác quản lý thành phố ngay từ bây giờ. Nhiều trung tâm lớn trên thế giới như London, Toronto, Singapore… cũng bắt đầu từ những dữ liệu như vậy.
Để tiến trình xây dựng thật sự đạt hiệu quả và tránh được những vấn đề mà nhiều thành phố trên thế giới đã gặp phải trong quá trình quản lý và phát triển dữ liệu, các nhà khoa học đều cho rằng Hà Nội cần có định hướng đúng về mặt công nghệ. Anh Cao Anh Tuấn - nghiên cứu sinh tại trường đại học California, San Francisco (UCSF) cho rằng, ngoài việc thu thập dữ liệu, Hà Nội cần phải chú ý đến khả năng xử lý những dữ liệu đã thu thập được để có thể áp dụng được vào thực tế với những đặc thù của thành phố nói riêng và Việt Nam nói chung. Ví dụ nếu xét trong lĩnh vực y tế, kế hoạch của Hà Nội cũng nằm trong xu hướng phát triển y học chính xác (precision medicine) của thế giới, tuy nhiên việc áp dụng công nghệ gene nước ngoài cũng cần lưu ý đến sự khác biệt trong đặc điểm di truyền giữa các quần thể người Việt và người nước ngoài. Để có được một kho dữ liệu gene người Việt, cần phải có lộ trình phù hợp và sự đầu tư bài bản cả về nhân lực lẫn kinh phí thực hiện.
Để tiến tới sở hữu dữ liệu lớn, trong quá trình xây dựng dữ liệu, Hà Nội cần có một tư duy mở. Trước hết, anh Lê Viết Quốc, kỹ sư phần mềm tại Google Brain Team - Google AI cho rằng Hà Nội nên để cơ sở dữ liệu nguồn mở như Google đã từng làm để có thể tận dụng được đóng góp của đông đảo trí tuệ cộng đồng.
Tương tự, việc duy trì được độ mở của dữ liệu quan trắc môi trường và dữ liệu y tế ở Hà Nội cũng cho phép “sinh sôi” dữ liệu và tạo ra những thông số có ích phục vụ cho nghiên cứu liên thông giữa các lĩnh vực này, đặc biệt trên thế giới đã có những xu hướng nghiên cứu về sự tác động đến sức khỏe con người trên cơ sở kết hợp dữ liệu môi trường, y tế, giao thông…, qua đó có được những tư vấn đề chính sách cho các nhà quản lý. Tuy nhiên, việc quản lý dữ liệu phải đạt hai tiêu chuẩn: đảm bảo khả năng chia sẻ thông tin về hệ gene của mỗi cá nhân giữa các nhà nghiên cứu, những người cung cấp thông tin; đảm bảo khả năng bảo mật thông tin cá nhân, ngay cả một quốc gia tiên tiến như Mỹ, thì việc quản lý cơ sở dữ liệu gene ngành y tế– thành quả của Sáng kiến Y học chính xác – cũng là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Vì vậy với Hà Nội, việc mở các dữ liệu và mở đến đâu cũng cần phù hợp với khả năng quản lý và điều hành của mình.