Toàn cảnh buổi ký kết. Ảnh: Mai Hà
Ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, cho biết, nội dung của bản ghi nhớ tập trung vào các lĩnh vực có tính thiết yếu cho hoạt động xác lập quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam, đặc biệt trong việc nâng cao chất lượng thẩm định đơn đăng ký sáng chế và hệ thống tự động hóa quản trị đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam - vốn là mối quan tâm lớn của các doanh nghiệp Hàn Quốc.
Trên cơ sở đó, hai bên sẽ hợp tác trong xử lý nhanh đơn đăng ký sáng chế (PPH), tăng cường tự động hóa quản trị sở hữu trí tuệ và nâng cao năng lực toàn diện.
Về xử lý nhanh đơn đăng ký sáng chế, hai bên sẽ bắt đầu chương trình thí điểm đối với các đơn đăng ký sáng chế nộp tới các bên từ ngày 1/6/2019. Theo đó, các đơn đăng ký sáng chế có xuất xứ Hàn Quốc nộp vào Cục Sở hữu trí tuệ, nếu thỏa mãn các điều kiện theo quy định sẽ được đề nghị đẩy nhanh quá trình thẩm định đơn với giới hạn số lượng mỗi năm không quá 100 yêu cầu. Ngược lại, đơn đăng ký sáng chế có xuất xứ Việt Nam nộp vào KIPO cũng hưởng cơ chế tương tự. Chương trình được thí điểm trong 2 năm.
Việc hợp tác trong xử lý nhanh đơn sáng chế đang là xu thế ngày càng phổ biến giữa các cơ quan sở hữu trí tuệ quốc gia trên thế giới, nhằm giảm thiểu nguồn lực cho công tác thẩm định và đẩy nhanh quá trình thẩm định đơn, đáp ứng đòi hỏi chính đáng của người nộp đơn.
Về tăng cường tự động hóa quản trị sở hữu trí tuệ, hai bên sẽ hợp tác nhằm tăng cường năng lực tự động hóa quản trị sở hữu trí tuệ, tìm kiếm các nguồn lực cần thiết để nâng cao hệ thống quản trị đơn đăng ký sở hữu công nghiệp tại Cục Sở hữu trí tuệ. Đây là vấn đề mà Cục Sở hữu trí tuệ đang gặp khó khăn do chưa đáp ứng được đầy đủ đòi hỏi về chuyên môn nghiệp vụ. Chính vì thế, việc hợp tác với KIPO - cơ quan sở hữu trí tuệ có hệ thống tự động hóa quản trị đơn lớn mạnh hàng đầu thế giới - sẽ hỗ trợ tích cực cho Việt Nam trong lĩnh vực này.
Ngoài ra, hai bên sẽ hợp tác nâng cao năng lực một cách toàn diện, bao gồm nhiều lĩnh vực quan trọng như thẩm định đơn, xây dựng pháp luật và chính sách, quản lý sở hữu trí tuệ, thương mại hóa tài sản trí tuệ, tự động hóa sở hữu trí tuệ, thông tin sở hữu trí tuệ và các lĩnh vực khác.