Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo “Đại dương và ô nhiễm nhựa” do Trung tâm Hoa Kỳ tổ chức chiều 7/5 tại Hà Nội, với sự tham gia của phái viên Hoa Kỳ phụ trách khoa học, TS Margaret Leinen.
Cùng tham gia thuyết trình tại hội thảo còn có chị Nguyễn Thị Diệu Thúy, điều phối viên Chương trình về Đại dương của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam; chị Hồ Thị Yến Thu, phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD); và chị Đỗ Văn Nguyệt, giám đốc Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn).
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Margaret Leinen, người bắt đầu làm việc ở vị trí Phái viên Hoa Kỳ phụ trách khoa học ở các khu vực Mỹ Latinh, Đông Á và Thái Bình Dương từ tháng 2/2016, nhấn mạnh vai trò quan trọng của đại dương đối với đời sống của con người: Đại dương là nơi cung cấp nguồn hải sản phong phú, lưu giữ những giá trị đa dạng sinh học biển, cũng là nơi diễn ra các tuyến đường thương mại bằng tàu thuyền,…
Đồng thời, bà lưu ý rằng, môi trường đại dương hiện nay đang thay đổi nhanh chóng. "Đại dương trở nên ấm hơn và mực nước biển không ngừng gia tăng. Ngoài ra, mức độ đánh bắt cá quá mức đang khiến trữ lượng cá dần cạn kiệt".
Việt Nam là một trong những nước thải nhiều rác nhựa ra biển nhất thế giới
Việt Nam là quốc gia có đường bờ biển dài 3.260 km, với 28/63 tỉnh và 15 khu phát triển kinh tế nằm ở vùng ven biển. Môi trường ven biển rất dễ bị tổn thương, ảnh hưởng bởi các hoạt hoạt động của con người như sản xuất công nghiệp, du lịch, khai thác khoáng sản, vận tải biển, đô thị hóa…
Theo chị Hồ Thị Yến Thu tại MCD, trong tổng số rác thải được tạo ra ở Việt Nam mỗi năm (hơn 27 triệu tấn), rác thải tại vùng ven biển chiếm khoảng 60%. Việt Nam là một trong 4 quốc gia thải nhiều rác thải nhựa ra biển nhất thế giới (1,8 triệu tấn/ năm), chỉ sau ba quốc gia là Trung Quốc (8,8 triệu tấn), Indonesia (3,2 triệu tấn) và Philippines (1,9 triệu tấn).
Các loại rác thải nhựa không dễ dàng phân hủy. Thời gian phân hủy của chúng có thể kéo dài từ hàng chục đến hàng trăm năm. Thậm chí các loại nhựa gắn mác “phân hủy sinh học” cũng không thể tan dễ dàng trong môi trường nước lạnh. Sau một thời gian, các sản phẩm nhựa vỡ ra thành nhiều mảnh, hình thành nên những mảnh nhựa siêu nhỏ (microplastics), dường như vô hình đối với mắt của chúng ta nhưng vô cùng độc hại đối với sinh vật biển và môi trường.
Đứng trước bối cảnh đó, nhiều tổ chức trong nước và quốc tế như Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), MCD, WWF… đã có những hành động thiết thực nhằm giải quyết thách thức của ô nhiễm nhựa trên đại dương.
"WWF toàn cầu có trụ sở tại hơn 150 quốc gia. Kể từ năm ngoái, việc giảm thiểu rác thải nhựa trở thành mục tiêu chiến lược của WWF toàn cầu trong vòng 10 năm tới. WWF Việt Nam cũng không đứng ngoài cuộc, chúng tôi đã có 2 dự án, một ở Long An và một ở Phú Quốc nhằm giảm thiểu rác thải nhựa", chị Nguyễn Thị Diệu Thúy tại WWF – Việt Nam, cho biết.
Website giúp người dân hiểu, yêu và bảo vệ biển Việt Nam
Tại hội thảo, chị Đỗ Văn Nguyệt tại Live & Learn cũng giới thiệu trang web
http://www.vibienxanh.vn/ được tài trợ bởi Trung tâm Hoa Kỳ, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội, trong khuôn khổ dự án "Vì biển xanh".
Trang web được xây dựng và biên tập bởi Live&Learn với sự hỗ trợ chuyên môn từ IUCN và những chuyên gia về biển.
"Chúng tôi xây dựng trang web dựa trên một câu ngạn ngữ của châu Phi, đó là: Cuối cùng con người ta chỉ bảo vệ những gì người ta yêu, người ta chỉ yêu những gì mà người ta hiểu, và người ta chỉ hiểu những gì người ta được học", chị Nguyệt nói.
Nội dung trang web cung cấp các tài liệu giáo dục về môi trường biển, giúp giới trẻ và công chúng Việt Nam có thêm hiểu biết và quan tâm nhiều hơn đến việc bảo tồn nguồn tài nguyên biển.