Bộ Tài nguyên và Môi trường hôm qua vừa tổ chức họp với các bộ, ban ngành liên quan nhằm tìm giải pháp ngăn chặn phế liệu ồ ạt tràn vào Việt Nam sau khi Trung Quốc cấm nhập rác.

Theo báo cáo của Tổng cục Môi trường, trong 5 tháng đầu năm 2018, khối lượng nhựa phế liệu nhập khẩu tăng đột biến gần gấp 2 lần so với cả năm 2017. Cơ quan này đánh giá nguyên nhân là "do từ đầu năm 2017 đến nay, do nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh trong sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, thu thu hút đầu tư... kéo theo nhu cầu sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất trong nước tăng cao, dẫn đến doanh nghiệp trong nước tăng cường nhập khẩu để phục vụ cho sản xuất". Bên cạnh đó do bị ảnh hưởng của việc Trung Quốc cấm nhập rác, rác đã đổ về các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà phát biểu tại cuộc họp ngày 12/7/2018 bàn về các biện pháp ngăn chặn rác vào Việt Nam.

Đáng lưu ý là hiện nay tại các cảng biển lớn của Việt Nam đang tồn đọng hàng ngàn container rác. Theo số liệu của Hải quan, tại Tân cảng Sài Gòn, tính đến cuối tháng Sáu, còn tồn 4.480 container phế liệu, trong đó riêng tại Cảng Cát Lái là 3.464 container chiếm phần lớn lượng phế liệu tồn đọng tại các cảng biển phía Nam.

Tại các cảng của thành phố Hải Phòng đang tồn đọng số container quá hạn trên 90 ngày là 737 container và 507 container có thời hạn từ 30-90 ngày.

Một số lượng lớn container tồn đọng lâu ngày, chủ hàng không đến nhận hàng, có nhiều container lưu tại bãi cảng từ 5 đến 6 năm có thể bị hư hỏng, phát sinh chi phí lưu container, lưu bãi ngày càng lớn gây thiệt hại kinh tế cho các doanh nghiệp cảng và hãng tàu.

Theo thông tin từ các hãng tàu, một lượng lớn hàng phế liệu nhựa, giấy sẽ tiếp tục đổ về các cảng biển Việt Nam do hãng tàu, khách hàng đã ký hợp đồng hoặc hàng đã được xếp lên tàu đang trên đường vận chuyển.

Trước thực trạng này, đại diện các Bộ cho rằng cần ngoài thay đổi Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu làm nguyên liệu liệu sản xuất, cần phải kiên quyết không cho nhập phế liệu không có giấy phép, không rõ người nhận.

Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng các Bộ Công an, Bộ Công thương, Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường trước hết cần có cơ chế trao đổi thông tin liên quan đến nhập khẩu phế liệu. Thông tin này cần cung cấp cho các địa phương để cùng quản lý.

Ông cũng đề nghị các cơ quan liên quan cần có văn bản thông báo rõ với các hãng tàu khi vận chuyển phải có đầy đủ thông tin, hồ sơ liên quan đến phế liệu nhập khẩu, nếu không hãng tàu phải chịu trách nhiệm. Các doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu, nếu xây dựng kho bãi, bảo quản cần đảm bảo về môi trường, cần có công nghệ xử lý tiên tiến... thì mới được nhập khẩu…

Đối với hiện tượng buôn bán phế liệu không đúng quy định pháp luật, lợi dụng bán về các làng nghề, Bộ trưởng đề nghị Bộ Công thương có chỉ đạo kiểm tra, có thể là phạt hành chính, thu giấy phép.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, ngay sau cuộc họp này, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ hoàn thiện báo cáo và đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương có liên quan khẩn trương triển khai một số nội dung về công tác nhập khẩu phế liệu trong thời gian tới.