Đó là nhận định được đưa ra tại hội thảo “Giới thiệu báo cáo chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2018 và kết quả của Việt Nam” do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức vào chiều ngày 12/7.

Đây là hội thảo trực tuyến với một đầu cầu tại Hà Nội có sự tham gia của ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Hoàng Lâm, giám đốc Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo cùng đại diện nhiều bộ, cơ quan ngang bộ.

Đầu cầu còn lại ở Geneva (Thụy Sĩ) có sự góp mặt của ông Dương Chí Dũng, Đại sứ – Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva (Thụy Sĩ), Chủ tịch Đại hội đồng Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO); và ông Sacha Wunsch-Vincent, Chuyên gia cao cấp của WIPO.

Đại sứ Dương Chí Dũng (bên trái) và ông Sacha Wunsch-Vincent, chuyên gia cao cấp của WIPO (bên phải) tham gia buổi hội thảo trực tuyến. Ảnh Quốc Hùng.
Đại sứ Dương Chí Dũng (trái) và ông Sacha Wunsch-Vincent (phải) trên màn hình trực tuyến. Ảnh Quốc Hùng.

Sau khi đại diện các bộ, cơ quan ngang bộ thảo luận việc phân công chủ trì cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo (ĐMST), ông Sacha Wunsch – Vincent đã trình bày kết quả GII 2018 của Việt Nam. Theo đó, Việt Nam xếp hạng 45 trên 126 quốc gia và nền kinh tế, tăng 2 vị trí so với năm 2017 và tăng 14 vị trí so với năm 2016. Việt Nam xếp thứ 2 trong số 30 nước thu nhập trung bình thấp trong GII 2018, xếp thứ 10 trong 15 quốc gia khu vực Đông Nam Á và Châu đại dương.

"Việt Nam đang nổi lên là một quốc gia đặc biệt vì liên tục thăng hạng trong bảng xếp hạng ĐMST toàn cầu. Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất có sự chỉ đạo từ cấp Thủ tướng với một Nghị quyết thành lập một nhóm chuyên viên đặc biệt, các bộ, ban, ngành để cùng thúc đẩy chính sách ĐMST", ông Sacha Wunsch – Vincent nói.

Trong khi đó, Đại sứ Dương Chí Dũng nhận định, "Kết quả này cho thấy chỉ số ĐMST của Việt Nam đang tăng trưởng tương đối bền vững. Trước những thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì ĐMST đóng vai trò là chìa khóa, mang tính quyết định cho sự phát triển của đất nước". Theo đại sứ, để phát huy tiềm năng sáng tạo to lớn của Việt Nam, cần có chính sách khuyến khích, thúc đẩy ĐMST, bao gồm cả chính sách đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Điểm mạnh về hiệu quả ĐMST

Các nhóm chỉ số GII 2018 được chia thành 7 trụ cột chính với 5 trụ cột đầu vào là: Thể chế, Cơ sở hạ tầng, Nguồn nhân lực và nghiên cứu, Trình độ phát triển của thị trường và Trình độ phát triển của kinh doanh. Hai trụ cột đầu ra là: Sản phẩm kiến thức và công nghệ, Sản phẩm sáng tạo.

Trong năm 2018, Điểm số cả 7 trụ cột của Việt Nam đều cao hơn điểm trung bình của nhóm các nước thu nhập trung bình thấp. Việt Nam đã cải thiện đầu vào ĐMST, xếp ở vị trí 65 (tăng từ vị trí 71 trong năm 2017 và vị trí 79 trong năm 2016).

Điểm mạnh nhất của Việt Nam là mức độ hiệu quả trong việc chuyển đổi đầu vào ĐMST thành đầu ra ĐMST, xếp thứ 16 về Tỉ số Hiệu quả ĐMST.

Đối với yếu tố đầu vào ĐMST, điểm mạnh của Việt Nam nằm ở hai trụ cột. Đầu tiên là trụ cột Trình độ phát triển của kinh doanh (xếp hạng 66) với các chỉ số có kết quả tốt bao gồm Hấp thụ tri thức (hạng 25), Phần chi R&D do doanh nghiệp trang trải (hạng 13) và Dòng vốn FDI (hạng 25). Ở trụ cột còn lại là Trình độ phát triển của thị trường (xếp hạng 33), Việt Nam có thứ hạng cao trong chỉ số Tín dụng (hạng 15).

Những thứ hạng cao của Việt Nam ở trụ cột đầu ra ĐMST là Sản phẩm Kiến thức và Công nghệ (xếp hạng 35) với hai nhóm chỉ số có kết quả tốt bao gồm Tác động của Tri thức (hạng 19) và Lan tỏa tri thức (hạng 21). Thế mạnh ở trụ cột Sản phẩm sáng tạo (xếp hạng 46) là chỉ số Đăng ký nhãn hiệu theo xuất xứ (hạng 18), Xuất khẩu hàng hóa sáng tạo (hạng 7) và Tạo ứng dụng di động (hạng 16).

ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng bộ Khoa học & Công nghệ, phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Quốc Hùng.
Ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Quốc Hùng.

Đạt được kết quả nêu trên, theo Thứ trưởng, trước hết là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt và toàn diện của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là việc đặt ra các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể và phân công từng bộ, ngành, cơ quan chủ trì cải thiện từng chỉ số ĐMST. "Bên cạnh đó, sự hỗ trợ tích cực, kịp thời về kỹ thuật của WIPO cũng đã đóng góp không nhỏ cho việc đánh giá bức tranh toàn diện về ĐMST ở Việt Nam", Thứ trưởng Bùi Thế Duy nhận định.

Thứ trưởng cũng đề nghị Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo tiếp tục cập nhật sổ tay hướng dẫn, đặc biệt là các chỉ số mới năm 2018; tổ chức tập huấn về hoạt động này cho các bộ, ngành có nhu cầu, đồng thời phối hợp với Văn phòng Chính phủ kiểm tra tiến độ của các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai cải thiện chỉ số; phối hợp với các chuyên gia WIPO học hỏi các phương pháp cải thiện chỉ số để hỗ trợ hiệu quả cho các bộ, ngành, địa phương…

Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu là một công cụ đánh giá xếp hạng năng lực đổi mới sáng tạo của các quốc gia và nền kinh tế được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) kết hợp với INSEAD và Đại học Cornell, Hoa Kỳ, xây dựng lần đầu tiên vào năm 2007. Phương pháp đánh giá được liên tục hoàn thiện qua các năm để đánh giá năng lực đổi mới sáng tạo của các quốc gia và nền kinh tế.

Ngày 10/7/2018 tại New York, Mỹ, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã công bố Báo cáo về xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo (ĐMST) toàn cầu năm 2018.