Được đánh giá là có những đóng góp quan trọng trong nhiều lĩnh vực của phát triển cộng đồng như y tế, giáo dục, môi trường... nhưng các tổ chức xã hội còn gặp phải không ít những vướng mắc về các thủ tục hành chính, dẫn đến những khó khăn trong việc nộp thuế cũng như tiếp cận nguồn viện trợ quốc tế.

Các tổ chức xã hội như WorldVision đã tổ chức nhiệt hoạt động hỗ trợ các nhóm yếu thế như người dân tộc thiểu số, phụ nữ, trẻ em. Ảnh: WorldVision.

Theo báo cáo của đại diện Liên hiệp các tổ chức khoa học kỹ thuật – VUSTA tại Hội nghị thường niên các tổ chức xã hội 2019 với chủ đề “Phát huy vai trò, sáng kiến của tổ chức xã hội trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng”, trong hai năm 2016 –2018, các tổ chức xã hội trực thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã huy động được khoảng 1.230 tỷ đồng, trong đó kinh phí chủ yếu dành cho các dự án chăm sóc sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường được triển khai ở cộng đồng dân tộc thiểu số, người cao tuổi, nhóm đối tượng dễ bị tổn thương. Có rất nhiều dự án quan trọng, góp phần đẩy lùi các bệnh dịch nghiêm trọng và dai dẳng tại Việt Nam, ví dụ, riêng dự án về phòng chống HIV-AIDS được Quỹ toàn cầu tài trợ giai đoạn 2015-2017 với số tiền 6,9 triệu USD; giai đoạn 2018-2020 gần 6,5 triệu USD.

“Những kết quả, đóng góp của các tổ chức xã hội trong lĩnh vực y tế, trong việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng là rất đáng tự hào, thể hiện được sự quan tâm, trách nhiệm của các tổ chức xã hội đối với sự phát triển của đất nước” theo TS. Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VUSTA.

Tuy vậy, họ vẫn chưa thể phát huy tối đa tiềm năng của mình, bởi vẫn còn các rào cản pháp lý. “Chưa có một khung thuế nào cho các tổ chức xã hội, các tổ chức khoa học công nghệ, [nên] chúng tôi đến khai thuế thì không biết phải khai vào mục nào. Không chỉ vậy, hiện nay cũng chưa có chính sách miễn giảm thuế cho các hoạt động phi lợi nhuận”, theo BS Đỗ Thị Vân, Giám đốc Trung tâm Thông tin tổ chức Phi chính phủ (NGO-IC). BS. Đỗ Thị Vân đề xuất phương án giải quyết tình trạng này: “Tôi cũng đi tham khảo một số nước, người ta cũng phải xây dựng một chính sách thuế đối với các tổ chức phi lợi nhuận, ai có hoạt động phi lợi nhuận, thì vào cái ‘sọt’ thuế đấy. Nên chăng trong khi chúng ta vẫn chưa có luật về Hội, thì chúng ta có thể xây luật về thuế phi lợi nhuận? Đấy cũng là một điều rất cần thiết.”

Ngoài ra, một trong những vấn đề lớn mà các tổ chức phi lợi nhuận đã kiến nghị từ năm 2016, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết, đó chính là việc xét duyệt hồ sơ nhận viện trợ. Nghị định số 93/2009/NĐ-CP nêu rõ, các tổ chức phi chính phủ phải xin phê duyệt dự án của cơ quan chủ quản và chính quyền địa phương nếu muốn tiếp nhận viện trợ nước ngoài hoặc triển khai một hoạt động nhân đạo, phát triển. Hồ sơ xin xét duyệt sẽ được phản hồi trong 20 ngày. Thế nhưng, trên thực tế thời gian xin phê duyệt lại dài hơn rất nhiều, có những dự án phải mất nhiều tháng để thẩm định. BS. Đỗ Thị Vân chia sẻ: “Việc phê duyệt rất khó khăn, thậm chí có những dự án không thể nhận được tài trợ vì chậm trễ, đây là một điều vô cùng đáng tiếc.” Chính vì vậy, Nghị định 93/2009/NĐ-CP cần được sửa đổi và thực hiện theo hướng đơn giản, thuận lợi cho các tổ chức xã hội trong việc tiếp cận nguồn tài trợ quốc tế.

BS Đỗ Thị Vân – Giám đốc NGO-IC chia sẻ những khó khăn của các tổ chức xã hội tại Hội nghị. Ảnh: VUSTA.vn

Không chỉ gặp rào cản về quy định pháp lý, trong khi thúc đẩy hoạt động phát triển cộng đồng, các tổ chức xã hội còn gặp khó khăn từ chính nhận thức của cán bộ cơ sở. Một đại biểu tham dự Hội nghị chia sẻ: “Khi tiếp xúc một số địa phương, nhắc đến các tổ chức phi chính phủ hoặc các tổ chức chuyên môn thì chính quyền địa phương rất e ngại cung cấp các thông tin số liệu. Vấn đề chúng ta làm là rất tốt, nhưng không phải cái gì cũng thuận lợi, nhất là trong hoàn cảnh xã hội ta về mặt nhận thức đối với NGO nói chung và các tổ chức xã hội nói riêng vẫn còn hạn chế.”

Thậm chí nhiều khi người dân thụ hưởng các chương trình phục vụ cộng đồng cũng xem nhẹ: “Với nhiều người, họ quan niệm rằng những cơ sở phải rất lớn, những bệnh viện phải đầu ngành, uy tín mới là nơi cung cấp dịch vụ sức khỏe, và đó cũng là lý do khiến các bệnh viện tuyến trung ương thường bị quá tải. Đây là những nhận thức không dễ thay đổi được.” – ThS Nguyễn Thu Giang, Phó viện trưởng viện LIGHT phát biểu trong hội thảo.

Kết thúc hội thảo, các đại biểu thể hiện mong muốn nhận được những sự hỗ trợ để có thể phát triển tổ chức một cách bền vững, như lời chia sẻ của ThS Nguyễn Thu Giang: “Mong rằng VUSTA sẽ thực sự mạnh mẽ để bảo vệ cho các thành viên của mình, bảo vệ được những chặng đường, những công sức mà chúng tôi đã làm. Như chúng tôi vẫn hay nói vui, rằng cố gắng làm thế nào để nhiệt huyết này sẽ không bị trôi đi mất.”