Sau một thời gian khá dài phải tạm dừng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, được sự đầu tư của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Viện Hải dương học vừa hoàn thành thiết kế, lắp đặt và vận hành tổ hợp các bể nuôi sinh vật biển cỡ lớn thuộc khu trưng bày Tài nguyên biển đảo Hoàng Sa - Trường Sa.
Tiền thân là đường hầm xuyên qua núi Cảnh Long (Bảo Đại) có chiều dài 120m, chiều rộng 8-12m và độ cao 5m do người Pháp xây dựng vào những năm 1930 để vận chuyển hàng hóa từ cảng biển Nha Trang sang núi Cảnh Long; đường hầm hiện nay được cải tạo, thiết kế và bố cục cho mục tiêu trưng bày giới thiệu những thành quả ứng dụng khoa học công nghệ nuôi sinh vật biển của Viện cũng như sự phong phú về tài nguyên biển ở 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Đặc biệt, các bể nuôi mới có quy mô lớn, khác hẳn với một số quy mô phòng thí nghiệm trong các nghiên cứu của Viện từ trước đến nay, gồm hai bể áp tường 98 m3 và 55 m3; một bể bán nguyệt 15 m3 và một bể vòm 165 m3.
Được biết, hệ thống bể trụ kích thước lớn nhất Việt Nam vào cuối năm 2019 cũng chỉ có thể tích 30 m3.
Theo VAST