Ngày 17/10 tại TPHCM, Cục Năng lượng nguyên tử đã tổ chức Hội thảo công nghệ bức xạ tiên tiến lần thứ II, nhằm tăng cường trao đổi thông tin về thành tựu và triển vọng ứng dụng công nghệ bức xạ tiên tiến.

Hơn 150 đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học, quản lý, doanh nghiệp trong nước và quốc tế như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Philippines, Indonesia, Austraila,… đã giới thiệu những công nghệ mới, cùng nhau trao đổi, thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm trong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ bức xạ (CNBX).

Mở rộng các lĩnh vực ứng dụng

t
TS Hoàng Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử. Ảnh: KA

TS Hoàng Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử, cho biết, tại Việt Nam, sau gần 15 năm thực hiện Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020, hoạt động nghiên cứu và ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển KT - XH đã có những bước tiến đáng kể. Trong đó, nghiên cứu và ứng dụng CNBX được ứng dụng nhiều trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, y tế, tài nguyên môi trường, an ninh hải quan,… Đặc biệt, ứng dụng CNBX trong y tế phát triển rộng rãi trên các lĩnh vực, đạt được nhiều kết quả. Nhiều trang thiết bị hiện đại đã được đầu tư, trong đó đầu tư xã hội hóa chiếm số lượng đáng kể. Nhiều kỹ thuật tiên tiến về y học hạt nhân, xạ trị đạt trình độ quốc tế và khu vực. Các kỹ thuật hiện đại về điện quang can thiệp điều trị các bệnh về u, mạch máu đã thực hiện thành công ở Việt Nam.

Trong công nghiệp, Trung tâm ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp (CANTI) đã thiết kế, chế tạo thành công các thiết bị chụp ảnh cắt lớp thế hệ 3, CT - SPECT công nghiệp; CT GORBIT và phần mềm dựng ảnh; Triển khai kỹ thuật đánh dấu trên các mỏ dầu. Ngoài ra, Trung tâm Nghiên cứu và triển khai CNBX (VINAGAMMA) đã nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thành công thiết bị chiếu xạ Co-60, cử chuyên gia sang Cuba hỗ trợ khôi phục thiết bị chiếu xạ tại Viện nghiên cứu thực phẩm La Habana.

Dây chuyền chiếu xạ của Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội
Dây chuyền chiếu xạ của Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội. Ảnh: TTCXHN

Hiện nay, Việt Nam có 8 cơ sở chiếu xạ với tổng số 11 thiết bị chiếu xạ công nghiệp phục vụ xuất khẩu hoa quả, thủy sản vào các thị trường Mỹ, Nhật, Úc, EU…; và chiếu xạ khử trùng dụng cụ y tế, dược phẩm, mỹ phẩm, dụng cụ nuôi cấy mô - tế bào. Trong lĩnh vực xử lý bức xạ cũng đã nghiên cứu tạo ra được các chế phẩm dùng trong nông nghiệp như chất kích kháng bệnh thực vật, chất giữ nước giúp điều hòa độ ẩm đất và tăng hiệu suất sử dụng phân bón; chế phẩm kích thích tăng trưởng thực vật; chế tạo thành công vật liệu nano vàng, nano bạc có thể sử dụng chế tạo ra các sản phẩm kháng khuẩn; xử lý bức xạ đối với vật liệu như chiếu xạ đá quý, lưu hóa cao su, bóng golf, xử lý màu thực phẩm, hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu.

Trong sản xuất dược chất phóng xạ y tế, Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt sản xuất đồng vị phóng xạ khoảng 400Ci/năm. Bên cạnh đó, 5 máy gia tốc cyclotron đang hoạt động trên cả nước, cung cấp ~300Ci/năm cho 12 hệ thống chẩn đoán hình ảnh kỹ thuật cao (PET - CT).

Những thách thức

Ông Nguyễn Văn Quân - Cục KH, CN và Đào tạo, Bộ Y tế - cho biết, trong lĩnh vực y tế, vẫn còn nhiều khó khăn như thiếu trang thiết bị chuyên dụng cho chiếu xạ, cơ sở cung cấp thuốc phóng xạ. Ngoài ra, năng lực phòng chuẩn đo lường bức xạ chưa tốt và thiếu nhân lực có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Theo ông Quân, cần thực hiện đúng tiến độ quy hoạch mạng lưới cơ sở ứng dụng bức xạ trong y tế đến năm 2020. Đồng thời, xây dựng hệ thống đào tạo chính quy đại học và sau đại học dành cho các chuyên ngành về ứng dụng năng lượng nguyên tử. “Việc nghiên cứu chế tạo, sản xuất thuốc dược chất, trang thiết bị y tế công nghệ cao cũng cần được chú trọng” – ông Quân nói.

Ông
Ông Bum Soo Han, Vụ Khoa học và Ứng dụng hạt nhân của IAEA. Ảnh: KA

TS Hoàng Anh Tuấn thì cho rằng, một trong những nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là cần đánh giá hiện trạng, triển vọng phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử trong các lĩnh vực cho giai đoạn sắp tới. Từ đó, nhận định những khó khăn, thách thức và đề xuất các giải pháp đẩy mạnh phát triển, ứng dụng CNBX. Đặc biệt là ứng dụng công nghệ bức xạ tiên tiến, làm cơ sở xây dựng Quy hoạch, phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử trong các lĩnh vực KT - XH cho giai đoạn tới theo Nghị định 41/2019/NĐ-CP. “Phát triển ứng dụng CNBX ở Việt Nam, đòi hỏi cần tăng cường đẩy mạnh hợp tác giữa các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong nước, quốc tế,đặc biệt là Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA” – ông Tuấn nhấn mạnh.

Ông Bum Soo Han, Vụ Khoa học và Ứng dụng hạt nhân của IAEA, cho rằng, hiện vẫn còn khoảng cách giữa các quốc gia thành viên trong thực hiện các kỹ thuật bức xạ. “IAEA sẵn sàng giúp các quốc gia thành viên tăng cường năng lực trong việc áp dụng các kỹ thuật bức xạ và hỗ trợ các quy trình công nghiệp an toàn hơn và sạch hơn. Trong đó, vấn đề đào tạo là cần thiết để đảm bảo các chuyên gia công nghệ hạt nhân thế hệ sau có thể sẵn sàng quản lý các chương trình CNBX phức hợp” – ông Bum Soo Han nói.

Giới thiệu một số sản phẩm ứng dụng năng lượng nguyên tử tại Hội thảo
Giới thiệu một số sản phẩm ứng dụng năng lượng nguyên tử tại Hội thảo. Ảnh: KA

Theo GS Cao Minh Thì, Phó Chủ tịch Hội Vật lý Việt Nam, vấn đề nghiên cứu và ứng dụng CNBX là rất cấp bách để phục vụ cho đời sống xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh giới thiệu các CNBX tiên tiến, cần chú trọng thêm vấn đề an toàn bức xạ, bởi việc giữ an toàn cho những người làm vật lý tại các bệnh viện là rất quan trọng.

Đồng tình với vấn đề này, TS Lê Minh Tuấn, Chánh Văn phòng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, cho rằng, thách thức lớn nhất trong công tác quản lý nhà nước về an toàn bức xạ là nguy cơ thất lạc, mất nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân và xây dựng văn hóa an toàn-an ninh. Vì vậy, theo ông Tuấn, cần tăng cường công tác thanh tra kiểm tra đối với các cơ sở chưa thực hiện tốt công tác quản lý, đảm bảo an toàn và an ninh nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ và hạt nhân. Đồng thời, khuyến khích lắp đặt thiết bị giám sát an ninh nguồn phóng xạ cho các thiết bị chụp ảnh phóng xạ công nghiệp, phương tiện vận chuyển,...

Một số tham luận được trình bày tại Hội thảo bao gồm: Hiện trạng và triển vọng phát triển kỹ thuật xạ trị proton; Thực trạng ứng ứng dụng bức xạ ion hóa trong chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư; Các tiến bộ công nghệ hình ảnh lai ghép y học hạt nhân và triển vọng ở Việt Nam; Sự phát triển của xạ trị ở Philippines; Xử lý chiếu xạ các polymer tự nhiên để sản xuất chế phẩm dùng trong nông nghiệp; Hiện trạng ứng dụng công nghệ sinh học bức xạ;…