Ngày 21/3, tại Paris, TS Nguyễn Thị Hiệp cùng với 14 nhà khoa học nữ xuất sắc dưới 40 tuổi đến từ các quốc gia đã được trao Giải thưởng Nhà khoa học trẻ tài năng thế giới.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp nhận Giải thưởng Nhà khoa học trẻ tài năng của thế giới.
Ảnh: Phụ nữ Việt Nam

TS Nguyễn Thị Hiệp hiện là giảng viên bộ môn Kỹ thuật y sinh - Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TPHCM. Năm 2016, TS Hiệp được trao học bổng Nhà nghiên cứu khoa học nữ tài năng của L'Oréal - UNESCO for Women in Science với đề tài mang tính phát hiện về titanium implant - hiện là vật liệu tốt nhất trong nha khoa phục hồi. Nghiên cứu giúp mang đến các hiểu biết mới trong nỗ lực cải tiến bề mặt của titanium implant nhằm khắc phục đặc điểm trơ về mặt sinh học của vật liệu, giúp tăng tốc và tối ưu hoá sự tích hợp mô nhằm đáp ứng lực nhai ở giai đoạn sớm sau khi cấy ghép implant.

Dự án gần đây nhất của TS Hiệp là phát triển một loại keo thông minh, chủ yếu được hình thành bởi liên kết chéo giữa axit hyaluronic (góp phần vào sự gia tăng và di chuyển tế bào) và chitosan (tái tạo mô) và có thể chứa các thành phần khác như tinh chất nghệ nano curcumin.

Theo TS Hiệp, mục tiêu cuối cùng là một sản phẩm có thể được áp dụng kịp thời trên các loại vết thương, giúp loại bỏ vi khuẩn và thúc đẩy quá trình tái tạo mô nhanh. Khi áp dụng, keo sẽ tạo thành một màng để ngăn ngừa chảy máu, hấp thụ chất lỏng từ vết thương và ngăn ngừa nhiễm trùng từ vi sinh vật.

Giải thưởng Nhà khoa học trẻ tài năng của thế giới nằm trong khuôn khổ Giải thưởng Vì sự phát triển của phụ nữ trong khoa học của Quỹ L'Oréal - UNESCO.

Đây là lần thứ hai Việt Nam có nhà khoa học được vinh danh ở giải thưởng này. Trước đó, năm 2015, TS Trần Hà Liên Phương (ĐH Quốc gia TPHCM) đã được nhận giải.

Bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh, Giám đốc truyền thông của L'Oréal Việt Nam, cho biết, giải thưởng của Quỹ L'Oréal - UNESCO có mục đích đề cao những tấm gương của các nhà khoa học nữ, khuyến khích họ theo đuổi đam mê nghiên cứu khoa học, bởi họ đang đóng góp xuất sắc vào lĩnh vực phát triển bền vững và sinh thái, vật lý, dược học, dịch tễ học, nghiên cứu y học, khoa học thần kinh và sinh hóa tiến hóa.