Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ điều này sau khi khai mạc khoá học dành cho Giám đốc các Sở Thông tin và Truyền thông - khóa học lần đầu tiên được Bộ tổ chức với một phương thức mới nhằm trang bị cho những người đứng đầu ngành ở các tỉnh, thành trong cả nước “một nhận thức mới, một tinh thần mới, một năng lượng mới”.
Vai trò của Sở là vô cùng quan trọng
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ Thông tin và Truyền thông có sáu lĩnh vực quản lý nhà nước, bao gồm:
Một là: “Bưu chính” - là hạ tầng chuyển phát và logistics cho thương mại điện tử.
Hai là: “Viễn thông” là hạ tầng kết nối cho nền kinh tế số.
Ba là: “Công nghệ thông tin” - là chính phủ điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số quốc gia, kinh tế số, thành phố thông minh.
Bốn là: “An toàn, an ninh mạng” - là tạo ra một không gian mạng an toàn nhằm thúc đẩy một xã hội số.
Năm là: “Công nghiệp ICT” - là lĩnh vực phát triển các DN công nghệ Việt Nam, tập trung vào công nghệ cao, là công nghiệp sản xuất phần mềm, công nghiệp sản xuất phần cứng, công nghiệp điện tử -viễn thông, công nghiệp ứng dụng CNTT, công nghiệp nội dung số, công nghiệp an ninh mạng, công nghiệp sản xuất thiết bị Internet vạn vật, phát triển và ứng dụng các công nghệ của CMCN 4.0.
Sáu là: “Thông tin tuyên truyền”, bao gồm báo chí, phát thanh truyền hình, xuất bản, thông tin cơ sở và thông tin đối ngoại.
Trong đó, lĩnh vực ICT của Bộ là nền tảng để thúc đẩy kinh tế số, cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam. Việc phát triển các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, tập trung vào công nghệ cao, thì cơ bản là các doanh nghiệp trong lĩnh vực ICT, với trên 50.000 doanh nghiệp đang hoạt động và tạo ra doanh thu hàng năm gần 100 tỷ USD.
Ở lĩnh vực thông tin tuyên truyền phải thể hiện dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo đồng thuận, niềm tin xã hội và khát vọng Việt Nam hùng cường. Tất cả các định hướng trên, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ và Bộ đang tập trung mọi nguồn lực và bộ máy từ trung ương đến các Sở để tổ chức thực hiện.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, với những nội dung quan trọng như nêu trên, để Bộ TT&TT có thể thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực TT&TT thì vai trò đầu mối, phối hợp của Sở TT&TT tại các địa phương là vô cùng quan trọng, tạo nên sự thông suốt trong chỉ đạo, thực hiện từ trung ương đến địa phương. Số lượng các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Sở TT&TT là khá nhiều, có nhiều lĩnh vực quan trọng, nhạy cảm có sự vận động nhanh, phát triển liên tục, mang tính công nghệ cao, rất khác với tính chất, đặc thù của các Sở khác. Thực tế đó đòi hỏi phải có cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành được tổ chức thống nhất, đồng bộ tại tất cả các địa phương để công tác quản lý nhà nước của Bộ TT&TT được thống nhất, thông suốt, góp phần ổn định chính trị - xã hội, phát triển công nghệ, công nghiệp và dịch vụ ICT của địa phương cũng như của đất nước.
Muốn thay đổi phải bắt đầu từ người đứng đầu
Nhấn mạnh vai trò của các Giám đốc Sở TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng lý giải: Muốn SởTT&TT đóng góp hiệu quả hơn cho sự phát triển của mỗi tỉnh, thành, muốn Sở TT&TT đúng là Sở Công nghệ Thông tin và Truyền thông thì đầu tiên phải là nhận thức đúng về vai trò của Sở và nhận thức đúng về sáu lĩnh vực quản lý nhà nước của Sở. Đồng thời, nhận thức đúng về tầm quan trọng của Công nghệ và Tuyên truyền trong sự phát triển của đất nước: Tuyên truyền tạo lên sự ổn định, còn Công nghệ tạo lên sự phát triển.
Bộ trưởng nhấn mạnh: “Muốn thay đổi thìđầu tiên phải bắt đầu từ người đứng đầu, tức là Giám đốc Sở. Bởi vậy mà lớp học này là dành cho các Giám đốc. Ở đâu cũng vậy, tướng sao thì quân vậy. Trong lúc khó khăn thì tướng phải xung trận, đi đầu, chấp nhận hy sinh, làm gương cho mọi người noi theo. Khó khăn thì rất nhiều, kể mãi không hết. Nhưng hãy cứ bắt tay vào làm đi, mọi sự sẽ không khó như mình tưởng tượng. Vào lúc khó khăn này sẽ xuất hiện những Giám đốc Sở xuất sắc, các đồng chí hãy coi đây là cơ hội, là sứ mệnh”.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Cũng chỉ cần 2 năm thôi là Sở TT&TT sẽ phải khác, phải thể hiện được vai trò không thể thay thế của mình trong sự phát triển của mỗi tỉnh thành.
“Tôi đã trao đổi thẳng thắn với các Giám đốc Sở TT&TT rằng: Muốn thay đổi nhận thức của tỉnh về Sở TT&TT thì phải thông qua việc chúng ta có thể làm gì cho tỉnh” – Bộ trưởng chia sẻ và cho biết: Có rất nhiều việc các Sở TT&TT có thể làm ngay ở từng lĩnh vực mà mình quản lý.
Cụ thể, về bưu chính, cần phát triển thương mại điện tử, giao nhận hàng hoá tại nhà, hợp tác với tỉnh cung cấp dịch vụ công,...
Về viễn thông, hãy triển khai các chương trình thiết thực như: Mỗi người một điện thoại thông minh đến 2020; ngầm hoá, treo lại cáp để tăng mỹ quan, an toàn đô thị; cầu truyền hình trực tuyến về đến cấp xã; nhắn tin quảng bá để truyền đi thông điệp của người đứng đầu tỉnh đến từng người dân; giải quyết vấn nạn sim rác; thanh toán điện tử bằng tài khoản viễn thông,...
Về công nghệ thông tin, có rất nhiều thứ để làm, đó là: Chính quyền điện tử, dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4, phát triển ứng dụng học lý luận chính trị trên Smartphone hay quản lý đất đai, dân số bằng công nghệ thông tin, xây dựng thành phố thông minh và nông nghiệp công nghệ cao,...
Về an toàn, an ninh mạng, cần chú ý đến những vấn đề như: Quản lý mạng xã hội, giải quyết vấn nạn Fake news, phòng chống mã độc, không để tin tặc tấn công doanh nghiệp, chính quyền,...
Về công nghiệp ICT, chúng ta tập trung cho việc phát triển các doanh nghiệp công nghệ thông tin vừa và nhỏ tại tỉnh, kêu gọi các doanh nghiệp lớn đầu tư vào các khu công nghệ thông tin tập trung của tỉnh, phát triển các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tư vấn, tích hợp hệ thống, phát triển các doanh nghiệp nội dung số của tỉnh,...
Về thông tin tuyên truyền, các Sở TT&TT cần chủ động thực hiện đúng vai trò, trách nhiệm trong việc triển khai quy hoạch lại các báo, đài, quản lý phóng viên của các báo, đài Trung ương tại tỉnh, bảo vệ doanh nghiệp, chính quyền khỏi các thông tin sai sự thật, phát triển, hiện đại hoá hệ thống thông tin cơ sở, đồng thời đưa hình ảnh của tỉnh ra đất nước và quốc tế,...
Thay đổi là hành trình vất vả nhưng vinh quang
Theo Bộ trưởng, để thực hiện được những việc trên trong lúc nguồn lực hạn chế, tri thức hạn chế thì lúc đầu “phải dựa vào Bộ”. Các hệ thống công nghệ thông tin của Bộ, như Trung tâm giám sát an toàn Không gian mạng Quốc gia, hệ thống lưu chiểu nội dung báo chí, hệ thống quản lý phóng viên toàn quốc,... các kiến thức mới về chính phủ điện tử, cách mạng công nghiệp 4.0, thành phố thông minh sẽ được các đơn vị trong Bộ TT&TT chia sẻ với các Sở TT&TT. Các dự án công nghệ thông tin phức tạp sẽ được Bộ tư vấn.
Nhưng mặt khác, các Sở cũng phải chủ động trong việc tìm kiếm các giải pháp để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ của mình. Ví dụ nhưđối với những vấn đề liên quan đến công nghệ phải dựa vào các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn. Giai đoạn đầu của các dự án công nghệ thông tin, có thể yêu cầu các doanh nghiệp hỗ trợ, làm thí điểm quy mô nhỏ để chứng minh hiệu quả.
“Thay đổi ngành TT&TT là một hành trình vất vả, nhưng vinh quang, vì nó mang lại giá trị, lợi ích cho ngành, cho địa phương và cho đất nước. Vì thế, chúng tôi tổ chức lớp học dành cho các Giám đốc Sở TT&TT với sự đổi mới từ cách học. Thay vì nghe giảng thì hãy đối thoại, trao đổi nhiều hơn. Thay vì ngồi lớp thì hãy đi thăm quan nhiều hơn. Thay vì nghe thì hãy hỏi nhiều hơn. Thay vì học từ giảng viên thì hãy học từ bạn cùng lớp nhiều hơn. Thay vì học sách thì hãy mang câu chuyện của Sở mình ra để bàn bạc, giải quyết. Thay vì theo một chương trình được thiết kế trước thì hãy điều chỉnh, may đo cho phù hợp. Thay vì mang về rất nhiều tài liệu thì hãy mang về một nhận thức mới, một tinh thần mới, một năng lượng mới!” – Bộ trưởng bày tỏ./.