TS. Nguyễn Lý Sỹ Phú (Khoa Môi trường (trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG TPHCM) và các đồng nghiệp phát hiện ra sự vận chuyển của bụi PM2.5 từ Indonesia và các quốc gia Đông Nam Á đến TPHCM.

Kết quả được công bố trong “Trans-boundary air pollution in a Southeast Asian megacity: Case studies of the synoptic meteorological mechanisms and impacts on air quality”

Các nguồn ô nhiễm địa phương và vùng đều làm giảm chất lượng không khí ở nhiều đô thị. Do chưa có nghiên cứu nào về ô nhiễm vận chuyển xuyên biên giới, cụ thể là bụi PM2.5, ở các siêu đô thị Đông Nam Á. Do đó, TS. Nguyễn Lý Sỹ Phú và đồng nghiệp đã tìm hiểu hai kịch bản ô nhiễm bụi PM2.5 trong giai đoạn từ 25 đến 29/10/2013 và từ 5 đến 8/10/2015 ở TPHCM. Nồng độ bụi PM2.5 trong suốt hai thời kỳ này đều cao hơn 100% và 115% so với nồng độ bụi PM2.5 trung bình cùng thời kỳ, qua đó cho thấy đóng góp của các nguồn ô nhiễm xuyên biên giới. Dựa vào mô hình tính toán, các điều kiện khí tượng synop đã góp phần vào ô nhiễm bụi này. Năm 2013, bụi PM2.5 do con người phát thải ở Đông Nam Á đã được vận chuyển khi có gió đông bắc từ vùng cao nguyên Tây Tạng thổi đến kết hợp với hệ áp suất thấp Tây Thái Bình Dương. Năm 2015, đó là kết quả của cháy rừng ở Indonesia và được gió cận nhiệt đới Tây Thái Bình Dương lan truyền về phía Tây do một sự kiện El Niño mạnh. Do đó trong tương lai, nếu xảy ra các hiện tượng El Niño cực đoan thì việc lan truyền bụi từ Indonesia sẽ tới TPHCM nhiều hơn.