Được trao tại lễ kỷ niệm ngày KH&CN Việt Nam 18/5, giải thưởng Tạ Quang Bửu 2019 không chỉ nhằm khích lệ và tôn vinh ba nhà khoa học có các công trình nghiên cứu xuất sắc mà còn góp phần khuyến khích niềm đam mê nghiên cứu khoa học của thế hệ trẻ và kêu gọi sự quan tâm đầu tư cho KHCN và đổi mới sáng tạo.
Cả ba nhà khoa học nhận giải thưởng năm nay PGS. TSKT Phạm Đức Chính (Viện Cơ học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), PGS. TS Nguyễn Lê Khánh Hằng (Viện Vệ sinh dịch tễ, Bộ Y tế), TS. Lê Trọng Lư (Viện Kỹ thuật nhiệt đới, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) đều có các công trình xuất bản trên các tạp chí thuộc nhóm Q1 của các tạp chí ISI. Việc lựa chọn ra ba nhà khoa học từ 9 ứng cử viên là một việc làm rất khó bởi “nếu so sánh chất lượng các công trình năm nay so với những năm trước thì tôi cho rằng năm nay, chất lượng các công trình đều ở mức rất tốt” như đánh giá của GS. TS Ngô Việt Trung, chủ tịch Hội đồng giải thưởng Tạ Quang Bửu 2019.
PGS. TSKH Phạm Đức Chính nhận giải thưởng chonghiên cứu về thích nghi và hỏng dẻo kết cấu chịu lực - công trình “Consistent limited kinematic hardening plasticity theory and path-independent shake-down theorems” trên International Journal of Mechanical Sciences, một tạp chí quốc tế có uy tín của nhà xuất bản Elservier về cơ học cấu trúc, cơ học và ứng dụng của vật liệu tiên tiến, cơ học dòng chảy, nhiệt động lực học và phân tích quá trình biến đổi của vật liệu.Ảnh: Hoàng Nam.
Chia sẻ niềm vui và vinh dự của người được trao giải thưởng tại buổi lễ, PGS. TSKH Phạm Đức Chính gợi lại những mốc đáng nhớ trong học tập và nghiên cứu của mình “đều là các dấu ấn Tạ Quang Bửu” và mang dấu ấn đậm nét từ những bước chuyển về chính sách KH&CN của đất nước: bước vào mái trường Đại học dưới thời Bộ trưởng Tạ Quang Bửu, đầu tiên là các lớp phổ thông chuyên toán mở tại các trường Đại học, được chọn đi học khoa học cơ bản ở Liên Xô… Việc những nhà khoa học như ông có thể vượt qua được những khó khăn sau chiến tranh và của thời bao cấp, “tiếp tục nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế bên cạnh nhiều đồng nghiệp đã chuyển qua kinh doanh là nhờ ngọn lửa Tạ Quang Bửu”.
“Giải thưởng không chỉ là sự khích lệ lớn không chỉ với riêng chúng tôi – những người được nhận giải, mà cả với các đồng nghiệp trên mọi lĩnh vực, phấn đấu đạt tới và vượt qua các dấu mốc đã đạt được trong nghiên cứu khoa học, công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín”, PGS. TSKH Phạm Đức Chính nhấn mạnh đến ý nghĩa giải thưởng.
PGS. TS Nguyễn Lê Khánh Hằng nhận giải thưởng choCông trình “Highly Pathogenic Avian Infuenza A(H5N1) Viruses at the Animal– Human Interface in Vietnam, 2003–2010” xuất bản trên The Journal of Infectious Diseases - một tạp chí có uy tín về nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm được xuất bản từ năm 1904 của Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Mỹ, được chị xuất bản năm 2017. Công trình tập trung vào tương tác của virus cúm A/H5N1 tại Việt Nam giai đoạn 2003-2010. Ảnh: Hoàng Nam.
TS. Lê Trọng Lư nhận giải thưởng cho công trình ‘’Synthesis of magnetic cobalt ferrite nanoparticles with controlled morphology, monodispersity and composition: The influence of solvent, surfactant, reductive agent and synthetic condition” trên Nanoscale - tạp chí chuyên về nghiên cứu thực nghiệm và lý thuyết trong các lĩnh vực KH&CN nano của Hiệp hội Hóa học Hoàng gia Anh, hệ số IF 7,233. Ảnh: Hoàng Nanm.Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh nhận xét, việc trao giải thưởng Tạ Quang Bửu hằng năm không chỉ là dịp tôn vinh những giá trị khoa học mà còn góp phần khuyến khích niềm đam mê nghiên cứu khoa học của thế hệ trẻ và kêu gọi xã hội quan tâm đầu tư cho KHCN và đổi mới sáng tạo. Trong quá trình phát triển của đất nước, xã hội cũng có chuyển biến tích cực khi các doanh nghiệp lớn cũng bắt đầu đầu tư cho KH&CN, doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng quan tâm và coi đó như giải pháp quan trọng để có được những sản phẩm khác biệt… Trên nền tảng đó, các doanh nghiệp KH&CN ngày càng tăng trưởng rõ nét về số lượng và chất lượng. “Những thành tựu này góp phần làm nên quyết tâm của Bộ KH&CN tạo môi trường ngày một thuận lợi hơn cho hoạt động KH&CN”, Bộ trưởng nói.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng lưu ý đến những khó khăn mà ngành KH&CN đang phải đối mặt như nhận thức của các cấp, các ngành và địa phương về KH&CN và đổi mới sáng tạo còn chưa đầy đủ, hành lang pháp lý và cơ chế chính sách về KHCN còn thiếu đồng bộ, chưa thực sự tạo động lực cho phát triển của KH&CN và đổi mới sáng tạo. Sắp tới Bộ KH&CN cần tập trung lực lượng các nhà khoa học để có thể giải quyết những bài toán lớn theo yêu cầu của đất nước và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp startup, doanh nghiệp tiếp cận với các công nghệ mới để tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế…, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết.
PV