Nhân dịp ra mắt sách “Tự Lực văn đoàn với Vấn đề phụ nữ ở nước ta”, Viện Pháp tại Hà Nội – L’Espace và Nhà xuất bản Phụ nữ phối hợp tổ chức tọa đàm “Một thế kỷ phong trào phụ nữ Việt Nam”.

Tọa đàm mong muốn trở thành nơi thảo luận các bài học kinh nghiệm đấu tranh cho quyền phụ nữ, nữ quyền, đòi hỏi nam nữ bình quyền trong quá khứ và kết nối di sản ấy vào quá trình khẳng định vị thế, vai trò, ý thức tự vận động và vươn lên của phụ nữ Việt Nam trong thời đại ngày nay.

Tham gia thảo luận có TS Đoàn Ánh Dương - Viện Văn học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; TS Bùi Trân Phượng - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen; TS Khuất Thu Hồng - Viện Nghiên cứu phát triển xã hội ISDS; NSƯT Trần Ly Ly - biên đạo kiêm nghệ sĩ múa, Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam; và nhà văn Trang Hạ trong vai trò MC.

Theo TS Đoàn Ánh Dương, sự thay đổi của đời sống văn hóa xã hội theo hướng Âu hóa ở Việt Nam từ đầu thế kỷ 20 đã dẫn tới sự thay đổi tất yếu trong quan niệm và địa vị xã hội của người phụ nữ. Từ khép nép trong khuê phòng, quẩn quanh trong xó bếp, người phụ nữ bước ra xã hội và tham gia vào những việc trước kia chỉ riêng dành cho đàn ông. Trong bối cảnh đó, các thảo luận về vấn đề phụ nữ ngày càng trở nên đa dạng - người ta không chỉ đặt quyền phụ nữ và nữ quyền bên cạnh các thảo luận về nhân quyền và chủ nghĩa dân tộc, mà còn xem xét vấn đề phụ nữ như là hệ quả của một phong trào chính trị xã hội rộng khắp, đang được cổ vũ mạnh mẽ ở thế giới phương Tây và có tác động mạnh mẽ đến phong trào phụ nữ Việt Nam.


"Từ mùa xuân năm 1934, cùng với họa sĩ Lemur Nguyễn Cát Tường, Tự Lực văn đoàn làm 'bồng bột lên' phong trào cải cách y phục phụ nữ trên diễn đàn Phong Hóa, để một năm sau, lối trang phục mới ấy đã đi vào đời sống, hiện diện trong đời sống đô thị khắp ngoài Bắc trong Nam. Thành công của phong trào cải cách y phục phụ nữ - dẫu chỉ mới phổ biến chủ yếu ở giới phụ nữ thượng lưu, có học, có tiền - rõ ràng đã được hưởng lợi từ chính sự trưởng thành và sự tự vận động của người phụ nữ." TS Đoàn Ánh Dương. Ảnh minh họa: TL

Những vấn đề phụ nữ tuy không được đặt ra thường xuyên nhưng lại có một vị trí đặc biệt trong các thảo luận của Tự Lực văn đoàn - tổ chức tư nhân sống bằng sáng tác văn học và làm báo chí do Nguyễn Tường Tam, quen thuộc hơn với bút danh Nhất Linh, khởi xướng vào năm 1932. Thoạt đầu, Tự Lực văn đoàn cũng không tránh khỏi thành kiến với những thay đổi chóng vánh và thiếu kiểm soát của một bộ phận phụ nữ đô thị và biến họ thành đối tượng trào phúng trong nhiều tin bài và tranh biếm họa, dù không cực đoan tới mức quy kết đó là biểu hiện của “phong hóa suy đồi” như nhiều đánh giá lúc bấy giờ - TS Dương cho biết. Nhưng về cơ bản, báo chí của Tự Lực văn đoàn cổ vũ phụ nữ quan tâm tới vẻ đẹp hình thể của mình, nhấn mạnh vẻ đẹp thể chất và tác phong để hình thành ở họ quan niệm hiện đại về con người cá thể; đề cao vai trò xã hội của phụ nữ, thúc đẩy họ tham dự vào những công việc xã hội chung; và ủng hộ phụ nữ tấn công vào “nền luân lý chặt chẽ của Tống nho”, góp sức chung vào việc “làm cho người ta biết rằng đạo Khổng không hợp thời nữa”.

Song đóng góp nổi bật nhất của Tự Lực văn đoàn với vấn đề phụ nữ, như TS Đoàn Ánh Dương nhận định, không phải ở chỗ hướng họ tới việc chiếm lĩnh văn minh vật chất, mà là đấu tranh cho các quyền lợi và địa vị của họ trên lĩnh vực văn hóa tinh thần. "Tự Lực văn đoàn chủ yếu thực hiện chủ trương này trong các sáng tác văn chương. Có thể nói, với văn chương Tự Lực văn đoàn, lần đầu tiên phụ nữ Việt Nam được hiện diện một cách mạnh mẽ trong tư cách của những nhân vật chủ động," TS Dương cho biết.

Thông tin chi tiết:

Thời gian: 18:00, thứ Tư ngày 24/03/2021
Địa điểm: Hội trường Viện Pháp tại Hà Nội – L’Espace, 24 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Bảo trợ thông tin: Báo Khoa học và Phát triển