Các nhà khoa học của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Đại học Quốc gia Singapore đã phát hiện thấy sự tồn tại của vi nhựa trong một số ao hồ ngoại thành Hà Nội.
Kết quả được công bố trong bài báo “First observation of microolastics in surface sediment of some aquaculture pond in Hanoi city, Việt Nam” (Quan sát đầu tiên về vi nhựa trong trầm tích bề mặt ở một số ao hồ Hà Nội), xuất bản trên tạp chí Journal of Hazardous Materials Advances.
Với mong muốn tìm hiểu vi nhựa tồn tại trong các hệ thống nước, đặc biệt là trầm tích, các nhà khoa học đã thực hiện nghiên cứu đầu tiên về vi nhựa ở các ao hồ ngoại thành Hà Nội, cơ sở để họ tìm hiểu về quá trình vi nhựa tham gia vào chuỗi thức ăn sau này.
Lấy mẫu trầm tích bề mặt ở ao làng Cao Bộ, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội từ tháng 1 và 2/2021 và phân tích bằng quang phổ Raman, các nhà nghiên cứu phát hiện ra vi nhựa với các hình dạng chủ yếu là sợi và mảnh, trong đó dạng sợi chiếm ưu thế (62% và 82% trong hai ao lấy mẫu). Màu sắc và thành phần của vi nhựa tại đây chủ yếu màu xanh, trắng, đen, đỏ (dạng sợi), vàng, xanh da trời, trắng (dạng mảnh), còn thành phần chủ yếu là Polyethylene (PE), polypropylene (PP) – có thể từ nước ô nhiễm của sông Nhuệ đổ vào.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, cần có thêm những quan sát vi nhựa khác trong những môi trường và sinh vật khác nhau ở khu vực ao hồ ở Việt Nam.
T. Nhàn