Để đánh giá lại nghiên cứu, các nhà khoa học cần phải truy cập vào hệ thống dữ liệu bị hạn chế của đợt khảo sát Khảo sát dân số về thuốc lá và sức khỏe.

Một nhóm nghiên cứu tại Đại học California San Francisco (UCSF) và Đại học George Washington (Mỹ) đã nghiên cứu mối quan hệ giữa việc sử dụng thuốc lá điện tử và nguy cơ đau tim. Họ phân tích dữ liệu sức khỏe của 69.452 người từ 18 tuổi trở lên đã tham gia cuộc Khảo sát Phỏng vấn Y tế Quốc gia (NHIS),do Cục điều tra dân số Mỹ tiến hành vào năm 2014 và 2016. Các nhà khoa học kiểm soát các yếu tố ảnh hưởng đến nguy cơ đau tim như tuổi tác, giới tính, chỉ số khối cơ thể, huyết áp, mức độ cholesterol cao và tiểu đường.

Dù vẫn còn những quan điểm khác nhau cần thảo luận về tác động cụ thể của thuốc lá điện tử lên cơ thể người một cách lâu dài, nhưng WHO đã cảnh báo tất cả thuốc lá điếu và thuốc lá điện tử đều không tốt cho sức khỏe con người. Ảnh minh họa: Internet.

Kết quả nghiên cứu đăng trên tạp chí Y học Dự phòng Mỹ (JAHA) vào tháng 8/2018 cho thấy, những người hút thuốc lá điện tử mỗi ngày làm tăng nguy cơ bị nhồi máu cơ tim lên gấp hai lần so với người bình thường. Trong số 9.352 người đang hút thuốc lá điện tử hoặc đã bỏ thuốc trong nghiên cứu này, có 3,6% trải qua cơn đau tim tại một số thời điểm trong đời. Tỷ lệ cao nhất bằng 6,1% nằm trong số những người hút thuốc lá điện tử mỗi ngày.

Tuy nhiên, vào tháng 2 vừa qua, JAHA xem xét lại quá trình đánh giá ngang hàng về tính chính xác của dữ liệu và đề nghị nhóm nghiên cứu phân tích lại dựa trên thời điểm những người tham gia vào cuộc Khảo sát về thời điểm bắt đầu sử dụng thuốc lá điện tử (từ đó giúp đánh giá lại thời điểm nhồi máu cơ tim xảy ra trước hay sau khi sử dụng thuốc lá điện tử hoặc thuốc lá điếu). Để đánh giá lại, cần phải truy cập vào hệ thống dữ liệu bị hạn chế của đợt khảo sát Khảo sát dân số về thuốc lá và sức khỏe (PATH - một hệ thống dữ liệu thẩm định sức khỏe của người dân về việc sử dụng thuốc lá và những tác động của nó lên sức khỏe được thực hiện bởi Viện Y tế Quốc gia – NIH và Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ - FDA). Các tác giả đồng ý yêu cầu cập nhật cơ sở dữ liệu PATH tuy nhiên đến hết thời điểm đánh giá lại vẫn chưa thể truy cập liên tục nên JAHA lo ngại chưa thể xác thực được kết quả nghiên cứu (the study conclusion is unreliable) và rút công bố trên.

Trên thực tế, WHO đã cảnh báo về tác hại của thuốc lá điện tử lên sức khỏe con người, cụ thể là vẫn chứa nicotine và một số chất khác, có thể gây hại cho sức khỏe người hút và cả người hít phải khói thuốc một cách thụ động. Tuy nhiên, việc đưa ra những bằng chứng rõ ràng về tác động lâu dài và cụ thể của việc sử dụng hoặc tiếp xúc với khói thuốc lá điện tử cũng như so sánh thuốc lá điện tử và thuốc là điếu vẫn còn khá nhiều tranh luận. Hiện nay các nước cũng có quan điểm khác nhau về việc quản lý và sử dụng thuốc lá điện tử. Trong khi Anh, Nhật Bản, Pháp ban hành nhiều quy định để quản lý các sản phẩm thuốc lá điện tử, Mỹ có nhiều khuyến cáo thì Thái Lan đã cấm hoàn toàn việc sử dụng.

Thuốc lá điện tử có mặt tại Mỹ vào năm 2009. Đối với thuốc lá điện tử, các sol khí nicotine và mùi hương được tạo ra bằng cách làm nóng dung dịch lỏng. Trong thuốc lá thường, sol khí nicotine hình thành bằng cách đốt sợi thuốc lá. Thuốc lá điện tử tạo ra ít chất gây ung thư hơn thuốc lá thường, nhưng cả hai đều chứa các hạt siêu mịn và độc tố liên quan đến việc làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và phổi.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 6 triệu người chết vì thói quen hút thuốc. Có ít nhất 17 loại ung thư là do thuốc lá gây ra. Nếu xu hướng hiện tại vẫn tiếp tục, thế kỷ này sẽ có hơn một tỷ người chết vì nguyên nhân liên quan đến khói thuốc.

Tài liệu tham khảo:
https://www.ahajournals.org/doi/10.1161/JAHA.119.014519
Bhatta DN, Glantz SA. Electronic Cigarette Use and Myocardial Infarction Among Adults in the US Population Assessment of Tobacco and Health. J Am Heart Assoc. 2019;8:e012317. DOI: 10.1161/JAHA.119.012317.
https://www.who.int/news-room/q-a-detail/e-cigarettes-how-risky-are-they