Ngày 30/6, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế và Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ký kết Chương trình hợp tác thúc đẩy, hỗ trợ xây dựng, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc, ứng dụng mã số mã vạch cho các sản phẩm hàng hóa của các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh.


Theo nội dung ký kết, Chương trình được thực hiện trong 3 năm (2018 - 2020), với việc triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc và ứng dụng mã số mã vạch (MSMV) vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Bên cạnh đó, thực hiện thông tin, truyền thông nâng cao hiểu biết cho doanh nghiệp và người dân về mã số mã vạch nhằm đem lại hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng.

Trước mắt, sẽ thực hiện áp dụng tem truy xuất nguồn gốc cho 2 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm đặc sản của tỉnh là sản phẩm mè xửng Thiên Hương và dầu tràm Kim Vui.

Tại lễ ký kết, ông Trần Văn Vinh, Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm là giải pháp quản lý nhằm tăng cường công tác bảo đảm chất lượng hàng hóa, nhất là đảm bảo an toàn vệ sinh và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng; Bộ Khoa học và Công nghệ đang phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiến hành rà soát để hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mã số, mã vạch liên quan đến truy xuất nguồn gốc hàng hóa để trình Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể triển khai trong cả nước.

Thừa Thiên-Huế và Bến Tre là 2 tỉnh được Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai thí điểm việc thực hiện truy xuất nguồn gốc và ứng dụng mã số, mã vạch cho các sản phẩm hàng hóa của các doanh nghiệp sản xuất, thông qua tem truy xuất nguồn gốc và ứng dụng công nghệ thông tin trong truy xuất, kiểm soát sản phẩm hàng hóa.

Đây là bước đi cần thiết để làm cơ sở cho việc mở rộng sử dụng tem truy xuất nguồn gốc và ứng dụng mã số, mã vạch trên sản phẩm hàng hóa trên toàn quốc.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Dung cho rằng việc tỉnh thí điểm triển khai áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm bằng mã vạch, không chỉ giúp các doanh nghiệp, minh bạch thông tin với người tiêu dùng, xây dựng cơ sở dữ liệu sản phẩm của mình, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển sản xuất kinh doanh mà còn giúp cho các ngành chức năng của tỉnh tăng cường công tác quản lý về chất lượng sản phẩm hàng hóa sản xuất trên địa bàn tỉnh, là cơ sở để giải quyết và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng khi mua và sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp./.