Cuộc gặp mặt các đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ vào chiều ngày 30/7/2020 tại Hà Nội đã trở thành cuộc trao đổi thẳng thắn giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu về những giải pháp có thể góp phần phát huy vai trò và đóng góp của đội ngũ trí thức Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt các trí thức. Ảnh: Mỹ Hạnh.

Đây là cuộc gặp mặt diễn ra nhân kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo và những ngày lễ lớn của Đảng, Nhà nước để tưởng thưởng và tôn vinh những đóng góp của các trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ghi nhận những đóng góp của đội ngũ trí thức với quá trình phát triển đất nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, “Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đặt niềm tin và sự kỳ vọng vào đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ mà tiêu biểu là gần 200 đại biểu đang có mặt tại đây, đại diện cho hơn 6,5 triệu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ của cả nước”.

Cần có những cơ chế chính sách mới

Trong bầu không khí gần gũi và ấm áp, nhiều đại biểu đã mạnh dạn nêu với Thủ tướng một số vấn đề mà các nhà khoa học và nghệ sĩ gặp phải trong quá trình triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu và sáng tạo của mình. Theo nhận định của giáo sư Nguyễn Trung Việt (Trường Đại học Thủy lợi), mặc dù có nhiều đổi mới trong công tác quản lý khoa học như có thông tư quy định “cơ chế khoán” tập trung vào đánh giá sản phẩm đấu ra nhưng trên thực tế, việc áp dụng thông tư này vẫn chưa thực sự thông suốt. Do đó, các nhà khoa học vẫn còn mất nhiều thời gian và công sức hoàn thiện những yêu cầu về thủ tục giấy tờ, ảnh hưởng đến quá trình nghiên cứu.

Vì vậy, ông đề nghị cần có những đổi mới trong quản lý khoa học, thúc đẩy triệt để việc đánh giá hiệu quả thực hiện các đề tài, nhiệm vụ dựa trên kết quả đầu ra. Đồng thời để tăng cường các lĩnh vực nghiên cứu thế mạnh, Việt Nam cần có thêm những chính sách đầu tư mới về cơ sở vật chất, tiềm lực nghiên cứu vào một số trung tâm giáo dục thành cơ sở mũi nhọn về nghiên cứu khoa học.

Cũng đồng ý với những đề xuất để góp phần tháo gỡ vướng mắc này, Thiếu tướng Nguyễn Văn Chung (Trường Đại học Chính trị, Bộ Quốc phòng) cho rằng, những cơ chế chính sách mới sẽ là yếu tố quan trọng để phát triển đội ngũ trí thức và tạo điều kiện để họ có thêm nhiều đóng góp. Để quá trình đó diễn ra một cách thuận lợi và hiệu quả thì cần thiết xây dựng một số cơ sở giáo dục trọng điểm sẽ góp phần tạo ra những nhà khoa học đầu ngành và xây dựng được đội ngũ cán bộ quản lý giỏi.

Những vướng mắc mà các trường, các viện nghiên cứu và các nhà khoa học gặp phải không chỉ có vậy. Một đại biểu ngành nông nghiệp đã không ngần ngại điểm các vấn đề mà các cơ sở nghiên cứu trong và ngoài ngành nông nghiệp đang trải qua, một trong số đó là việc thực hiện cơ chế tự chủ tự chịu trách nhiệm còn có phần cứng nhắc khiến các đơn vị cảm thấy chưa thể vận hành theo quy định nên hiện “chỉ muốn làm khoa học thôi”.

Tạo điều kiện để đội ngũ trí thức phát huy sáng tạo

Lắng nghe ý kiến của các nhà trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói, trong những năm qua, “Chính phủ đã ban hành nhiều nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên phát triển đội ngũ trí thức, tôn trọng, đảm bảo quyền tự do sáng tạo gắn với trách nhiệm xã hội của văn nghệ sĩ, trí thức đối với sự nghiệp văn hóa dân tộc. Trong điều kiện khó khăn vẫn tiếp tục thực hiện và có thêm các chính sách hỗ trợ đối với văn nghệ sĩ, trí thức có cống hiến”.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, bên cạnh việc cần có thêm nhiều hình thức vinh danh và tưởng thưởng xứng đáng cả về vật chất và tinh thần thì đội ngũ các nhà khoa học, trí thức, văn nghệ sĩ cần được tạo điều kiện nhiều hơn nữa để có được môi trường tự do sáng tạo: “Chúng ta thường nói nhiều đến vai trò, những đóng góp và đòi hỏi của chúng ta đối với đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ thì chúng ta cũng nói đến những nguyện vọng của các nhà trí thức, khoa học, văn nghệ sĩ đối với chúng ta”. Trước sự chứng kiến của các trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ, Thủ tướng bày tỏ, trong điều kiện khó khăn vẫn tiếp tục thực hiện cơ chế, chính sách ưu tiên phát triển đội ngũ trí thức và sẽ có thêm các chính sách hỗ trợ đối với văn nghệ sĩ, trí thức có cống hiến. Ghi nhận những kiến nghị, ông giao nhiệm vụ cho Bộ KH&CN, cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN, có trách nhiệm tiếp tục quản trị thể chế, tạo điều kiện cho giới khoa học và văn nghệ sĩ phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo hơn nữa.

Nhấn mạnh đến sự cần thiết của các ý kiến đóng góp để cải thiện cơ chế chính sách từ của các nhà khoa học, các nghệ sĩ, Thủ tướng cho rằng những điều hôm nay sẽ dẫn đến “những báo cáo cần thiết với Bộ Chính trị hoặc Ban Tuyên giáo để có những cách tổ chức phù hợp để các nhà khoa học đóng góp nhiều ý kiến hơn nữa”.

Đề cập đến “chất xám và khả năng sáng tạo chính là thứ tài nguyên quý giá nhất, tri thức là thứ tài nguyên duy nhất càng khai thác càng sinh sôi nảy nở trong bối cảnh mới, Thủ tướng tin rằng, đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ sẽ tiếp tục đóng góp hết sức quan trọng trong hoạt động sáng tạo, nghiên cứu đề xuất, phản biện chính sách, phục vụ xây dựng, hoạch định và triển khai đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân: “Một dân tộc mạnh phải là một dân tộc có khả năng trường tồn, một dân tộc mạnh thì phải có quyết tâm để trở thành một dân tộc giàu... Đây cũng chính là sứ mệnh mà tất cả chúng ta cùng với ngành Tuyên giáo, đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ của chúng ta cùng chung tay lãnh ấn”.